Các nhà khoa học thuộc Đại học Bách khoa Liên bang Lausane (EPFL), Thụy Sĩ, đã phát minh ra một thế hệ màn hình cảm ứng mới cho phép người sử dụng cảm nhận được bằng cảm giác qua tiếp xúc giữa ngón tay và màn hình.
Phát minh này cho phép hỗ trợ rất nhiều cho người khiếm thị trong việc tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông.
Yves Perriard, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu giải thích, công nghệ này đang trong giai đoạn thử nghiệm, dự kiến sẽ được hoàn thiện và ứng dụng trong thiết kế điện thoại, máy tính và máy rút tiền tự động...
Công nghệ mới giúp người sử dụng cảm nhận, tập trung hơn trong thao tác, và đặc biệt giúp người khiếm thị dễ dàng hơn trong tiếp cận với các thiết bị tin học và truyền thông.
Để tạo được cảm giác cho người sử dụng màn hình cảm ứng thế hệ mới, các nhà khoa học của EPFL đã sử dụng một loại vật liệu cho phép tạo ra rung động khi truyền điện áp lên vật liệu đó. Vật liệu này sẽ tự giãn nở rồi nhanh chóng thu về trạng thái ban đầu.
Với quy trình này, các màn hình cảm ứng thế hệ mới đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự trong truyền thông khi giúp người sử dụng vừa được nghe, nhìn và cảm nhận.
Công nghệ mới hiện vẫn còn đang được các nhà khoa học phát triển và hoàn thiện.