Trời lạnh thì chớ nhưng sao có một bộ phận mà ta thấy chúng chẳng bao giờ bị rét ấy. Vì sao vậy?
Những đợt gió mùa đông bắc tràn về khiến không ít bạn co ro trong giá rét. Dù đã cuộn tròn trong "chiếc khăn gió ấm", hay sưởi bàn tay với đôi găng... nhiều người vẫn cảm thấy rét.
Nhưng bạn có hay biết rằng, trên cơ thể chúng ta tồn tại 1 bộ phận cực kỳ siêu nhân - dù lạnh thế nào cũng không thấy rét, hay dù có xuống âm độ cũng không bị đóng băng?
Và câu trả lời chính là đôi mắt. Tại sao vậy?
Phải chăng vì quá lạnh mà mắt đã không còn cảm giác lạnh nữa ư? Nhưng không, thật ra, nguyên nhân là vì đôi mắt của ta chỉ có dây thần kinh phụ trách xúc giác và cảm giác, mà không có thần kinh cảm giác lạnh.
Do đó, dù thời tiết có lạnh đến thế nào thì mắt của ta cũng không có cảm giác lạnh.
Được biết, đặc tính này hình thành từ xa xưa, giúp ta thích nghi với môi trường trong quá trình tiến hóa lâu dài của loài người.
Vì mắt là cơ quan quan trọng, dùng để quan sát thế giới xung quanh mọi lúc mọi nơi thế nên nếu mắt bị giá lạnh, đóng băng mỗi khi đông đến thì sẽ gặp cực nhiều khó khăn.
Các chuyên gia tiết lộ rằng, có khá nhiều lý do để mắt khó lòng bị đóng băng trước giá lạnh.
Đó là vì chất lỏng làm ẩm mắt kia không phải là nước tinh khiết mà là nước chứa muối. Nước mặn sẽ có nhiệt độ đóng băng thấp hơn nước tinh khiết. Cộng thêm hệ thống điều phối thân nhiệt của cơ thể rất mạnh, nên chúng sẽ điều chỉnh nhiệt độ cơ thể để mắt vẫn nhìn rõ được vạn vật.
Số lượng mao mạch ở mắt khá nhiều, nên ở khu vực có tình trạng nhiệt thấp, lưu lượng máu tăng nhanh, dồn đến mao mạch giúp bổ sung nhiệt cho mắt, không để mắt bị lạnh.
Chưa hết, nhãn cầu được bảo vệ rất tốt trước các tác động xấu bên ngoài môi trường, lại nằm sâu phía trong, được mí mắt che chắn...
Với sự bảo vệ này, thì mắt sẽ khó lòng bị lạnh được mà vẫn đủ sức mở to để ngắm nhìn thế giới.