Các nhà khoa học Đức đang tìm cách khôi phục các cánh đồng cỏ biển, nơi chứa đựng hàng triệu tấn carbon nhưng đang bị thu hẹp nhanh do chất lượng nước giảm, trái đất nóng lên và dịch bệnh.
Bể nuôi cấy cỏ biển tại Trung tâm Nghiên cứu Đại dương Geomar Helmholtz ở Kiel, Đức. (Ảnh: REUTERS)
Theo Trung tâm Nghiên cứu đại dương Geomar Helmholtz ở Kiel, vùng Baltic có cánh đồng cỏ biển rộng gần 300km2, lưu trữ khoảng 3 đến 12 megaton carbon.
Angela Stevenson, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại trung tâm, nói với Reuters rằng, cỏ biển lưu trữ lượng carbon "trong nhiều thế kỷ đến thiên niên kỷ". "Một khía cạnh lớn cần suy nghĩ ở đây là bảo tồn hệ sinh thái này, để bảo đảm rằng CO2 không bị tái phát thải và làm tăng thêm lượng khí thải này".
Angela Stevenson, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu đại dương Geomar Helmholtz, đứng sau các bể chứa cỏ biển. (Ảnh: Reuters)
Tại vịnh Kiel của Đức, Angela Stevenson và các đồng nghiệp của cô đã trồng một cánh đồng cỏ biển thử nghiệm bằng cách sử dụng hạt và cây giống từ một đồng cỏ tự nhiên gần đó, nhằm tìm ra phương pháp canh tác có thể khôi phục các cánh đồng cỏ biển.
Nhóm nghiên cứu cũng đang thử nghiệm cách mà loại thực vật có thể chống chọi với nắng nóng bằng cách cho cây tiếp xúc với sóng nhiệt qua nhiều thế hệ để cố gắng làm cho chúng dẻo dai hơn.
"Nếu nhiệt độ tăng lên đến 26 độ C và cao hơn ... trong nhiều tháng, điều mà chúng ta có thể thấy trong tương lai với biến đổi khí hậu, thì điều đó thực sự có thể gây ra một vấn đề cho toàn bộ hệ sinh thái này. Nó có thể chết hoàn toàn", Stevenson cho biết.
Thực tế cho thấy, những đồng cỏ dưới nước này đang bị đe dọa trên toàn cầu. Riêng châu Âu đã mất 1/3 diện tích cỏ biển từ năm 1860 đến 2016, theo một nghiên cứu năm 2019. Bên cạnh đó, chất lượng nước kém, dịch bệnh và việc sử dụng nhiều phân bón cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng.
Nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu đại dương Geomar Helmholtz làm việc trước các bể nuôi cấy cỏ biển. (Ảnh: Reuters)
Trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Đức đã cam kết giảm hơn 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990. Đức cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045.
Các nghiên cứu cho thấy một lợi ích lớn của cỏ biển là nó có thể lưu trữ lượng khí thải CO2 gấp hai lần so với hệ thống rừng. Do cỏ biển thực hiện quá trình quang hợp, chúng lưu trữ khí nhà kính carbon dioxide rất hiệu quả. Đó là vì quang hợp đòi hỏi thực vật sử dụng ánh sáng Mặt Trời để biến đổi carbon dioxide thành oxygen. Những thực vật dưới nước này đóng vai trò quan trọng trong việc cô lập carbon, nhờ đó carbon được lưu trữ trong môi trường thay vì trôi nổi tự do trong khí quyển và tiếp tục góp phần gây ấm lên toàn cầu. Đây cũng là môi trường cung cấp nơi trú ẩn, bãi kiếm ăn phong phú cho hàng nghìn sinh vật đại dương khác nhau. |