Đừng chủ quan, ai cũng có thể mắc "Hội chứng bỏ quên trẻ trong ô tô", ngay cả những bậc cha mẹ chu đáo nhất!

  •  
  • 237

Năm 2017, một tòa án ở Australia đã tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với một người mẹ bỏ quên con mình đến chết trong ô tô, nhờ vào lời chứng chuyên môn của một nhà khoa học – người đã đưa ra những bằng chứng và lập luận thuyết phục với thẩm phán rằng: Trong tình huống đó, ai cũng có thể vô tình bỏ quên một đứa trẻ trên xe, cho dù là những bậc cha mẹ có trách nhiệm và chu đáo nhất.

Vậy nên, nếu bạn tự cho mình là một bậc cha mẹ có trách nhiệm và nghĩ rằng bởi vì có trách nhiệm nên bạn sẽ không bao giờ có thể bỏ quên được con mình trong ô tô. Lời khuyên dành cho bạn là: ĐỪNG BAO GIỜ CHỦ QUAN!

Giáo sư David Diamond, chuyên gia hàng đầu về khoa học nhận thức và thần kinh học tại Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ, nói:

"Mọi người nghĩ chỉ có những bậc cha mẹ vô trách nhiệm hoặc cẩu thả vô cùng mới để quên con mình trong ô tô. Nhưng không phải, đó là một vấn đề của tình huống. Bất kỳ ai, trong một hoàn cảnh nào đó, đều có thể có khả năng để quên một đứa trẻ trong ô tô".

Đó là lý do tại sao trung bình ở Mỹ, mỗi năm có tới 37 trường hợp trẻ tử vong vì bị bỏ quên trong ô tô. Con số đó có nghĩa là cứ 9 ngày thì sẽ có một vụ việc đáng tiếc xảy ra như vậy.

Tại Trung Quốc, thống kê chưa đầy đủ trên báo chí cũng cho thấy có từ 4-5 trường hợp trẻ tử vong trên ô tô mỗi năm vì bị bỏ quên. Ở Israel, đó là 3-4 trường hợp và Australia là 2-3 trường hợp. Thậm chí, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng.

Có một hội chứng gọi là: "Forgotten baby syndrome" hay "Hội chứng bỏ quên trẻ trong ô tô"

Dịch vụ Xe cứu thương tại tiểu bang Victoria mỗi năm tiếp nhận tới hơn 1.900 cuộc gọi liên quan đến trẻ bị bỏ quên trong xe ô tô, gần 30 trường hợp cần chăm sóc y tế tại bệnh viện.

Nếu tính cả các trường hợp trẻ em được giải cứu kịp thời khỏi những chiếc xe ô tô bị khóa kín, Scott Phillips, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Kidsafe (An toàn cho trẻ em) cho biết, con số có thể lên tới hơn 5.000, và đó mới là con số tính riêng cho nước Úc.

Sự phổ biến thường thấy của kiểu tai nạn này đã khiến các nhà khoa học như giáo sư Diamond, người đã dành ra hơn hai thập kỷ, lắng nghe hàng trăm lời tự thú ngập nước mắt của các bậc cha mẹ, những người vô tình bỏ quên con mình trong ô tô, phải đặt ra một cái tên riêng dành cho nó.

Họ gọi nó là: "Forgotten baby syndrome" hay "Hội chứng bỏ quên trẻ trong ô tô"

Hội chứng bỏ quên trẻ trong ô tô được định nghĩa đơn giản là: "hiện tượng bỏ quên một đứa trẻ trong phương tiện đang đỗ", theo nghiên cứu đăng trên thư viện Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Nhưng bạn đừng để cho sự đơn giản đó đánh lừa.

Phía sau định nghĩa tưởng chừng cơ bản đến phi lý đó (Ai có thể tưởng tượng ra việc mình sẽ bỏ quên chính con mình đến tử vong trong ô tô?) là một sự phức tạp vô cùng trong cơ chế hoạt động của não bộ.

"Tôi đã nghiên cứu chủ đề não bộ và trí nhớ con người từ thập niên 1980. Tôi đã nói chuyện với nhiều bậc cha mẹ mất con. Tôi đã nghe những bản ghi âm cuộc gọi trong đau đớn của họ tới số máy của tổng đài, khi con họ được phát hiện đã chết. Tôi nhận ra rằng, trong phần lớn các trường hợp, đây không phải là hành động thiếu quan tâm hoặc cẩu thả của các bậc cha mẹ", giáo sư Diamond nói.

"Dựa trên những nghiên cứu và kiến thức chuyên môn của mình, một nhà khoa học nghiên cứu thần kinh và nhận thức sinh học, tôi đã phát triển một giả thuyết giải thích nguyên nhân tại sao thảm kịch này có thể xảy ra".


Giáo sư David Diamond, chuyên gia hàng đầu về khoa học nhận thức và thần kinh học tại Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ.

Giả thuyết của giáo sư Diamond xoay quanh 2 khái niệm: Một là "trí nhớ thói quen" và hai là "trí nhớ tương lai".

Trí nhớ thói quen là thứ giúp bạn thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên lặp đi lặp lại, ví dụ như nhớ đường từ nhà tới công ty, lái xe từ công ty về nhà của bạn.

Trí nhớ thói quen cũng là thứ giúp bạn làm được nhiều công việc theo chuỗi, trong vô thức, mà không cần tiêu tốn nhiều năng lượng. Ví dụ như khi bạn móc điện thoại ra khỏi túi, vô thức ấn mật khẩu, nhớ vị trí của ứng dụng Facebook, nhấn vào đó và bắt đầu vuốt để giết thời gian trong một buổi họp chán nản.

Vì không tiêu tốn nhiều năng lượng cho trí nhớ tuân theo thói quen, não bộ có thể để dành năng lượng đó cho một loại trí nhớ khác. Đó chính là trí nhớ tương lai.

Loại hình trí nhớ này liên quan đến các công việc mà bạn lên kế hoạch sẽ làm trong tương lai, ví dụ như bạn nhớ rằng bạn cần đưa con tới nhà trẻ khi đi làm, đón con khi tan làm và rẽ vào siêu thị trên đường về nhà.

Trí nhớ tương lai thường giúp bạn làm những công việc mà bạn nghĩ là bạn sẽ định làm, bạn phải lập kế hoạch và đầu tư năng lượng cho nó.

Chẳng ai lên kế hoạch móc điện thoại từ túi ra, tìm ứng dụng Facebook và bắt đầu lướt trong giờ họp. Đó là hành vi của trí nhớ thói quen. Nhưng khi bạn biết trước cuộc họp đó sẽ rất chán, bạn có kế hoạch mở facebook để đọc một bài viết cụ thể mà bạn đang đọc dở. Đó là trí nhớ tương lai đang làm việc.


Trí nhớ thói quen được xử lý tại vùng hạch nền, nơi quản lý các hành động vô thức. Còn trí nhớ tương lai nằm ở vùng hồi hải mã, nơi lưu trữ thông tin và vùng vỏ não trước trán, rất quan trọng với việc lập kế hoạch.

Ở trạng thái minh mẫn nhất của não bộ, hai loại hình trí nhớ này hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau. Trí nhớ thói quen được xử lý tại vùng hạch nền, nơi quản lý các hành động vô thức. Còn trí nhớ tương lai nằm ở vùng hồi hải mã, nơi lưu trữ thông tin và vùng vỏ não trước trán, rất quan trọng với việc lập kế hoạch.

Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, trí nhớ thói quen có thể ghi đè lên trí nhớ tương lai, và đó chính là thứ gây ra những thảm họa trẻ em bị bỏ quên trong ô tô.

Ai cũng có thể bị đãng trí

"Hệ thống não bộ đảm nhiệm trí nhớ thói quen là một tiện ích tuyệt vời cho phép chúng ta chuyển mình sang chế độ lái tự động. Cái hay của nó trong trạng thái này là chúng ta không phải nhớ từng việc một nữa, nhưng vấn đề là nó có thể thao túng hành vi của chúng ta. Khi trí nhớ thói quen thao túng hành vi của chúng ta, nó sẽ chặn các phần não khác có nhiệm vụ nhắc nhở chúng ta về những thông tin bổ sung", giáo sư Diamond nói.

Hãy lấy ví dụ về một trường hợp cụ thể:

Một hôm, khi đi làm ở công ty, bạn vô tình đánh vỡ chiếc cốc yêu quý của mình. Ngay lúc đó, bạn đã định rằng sau khi tan làm, trên đường lái xe về nhà, bạn sẽ rẽ qua siêu thị để mua một chiếc cốc mới. Đây là lúc mà vùng hồi hải mã và vỏ não trước trán của bạn được kích hoạt để chạy chương trình cho trí nhớ tương lai.

Thế nhưng khi bạn thực sự tan làm và lái xe về nhà. Trớ trêu thay, bạn lại quên mất việc phải rẽ qua siêu thị mà cứ thế đi thẳng một mạch từ công ty về tới nhà. Đây là lúc vùng hạch nền kích hoạt trí nhớ thói quen của bạn và nó đã ghi đè lên trí nhớ tương lai.

Kết quả là tới ngày hôm sau, khi trở lại văn phòng và thấy chiếc cốc vỡ vẫn còn trong sọt rác, bạn mới nhớ ra là chiều qua mình đã quên không vào siêu thị mua cốc.

Chúng ta vẫn thường gặp đầy rẫy những tình huống tương tự như vậy trong cuộc sống. Mọi người thường cười trừ và gọi đó là "đãng trí". Nhưng giáo sư Diamond nhấn mạnh: "Sự đãng trí này không phải lúc nào cũng lành tính như chúng ta tưởng. Đôi khi, nó có thể tạo ra thảm họa".

Mức độ nghiêm trọng có thể tăng dần lên theo từng mức, từ việc bạn quên rẽ vào siêu thị mua một chiếc cốc mới, đến những trường hợp đã được ghi nhận như: cảnh sát bỏ quên súng đã nạp đạn trong nhà vệ sinh công cộng, bác sĩ để quên dụng cụ phẫu thuật trong người bệnh nhân, phi công quên thao tác trong khi bay và như chúng ta đã thấy: Cha mẹ bỏ quên con trong xe ô tô.


"Sự đãng trí này không phải lúc nào cũng lành tính như chúng ta tưởng. Đôi khi, nó có thể tạo ra thảm họa".

"Có những nghiên cứu quét ảnh não bộ cho thấy khi bạn làm điều gì đó theo thói quen, điều đó có thể thực sự ức chế hệ thống trí nhớ có ý thức của bạn, do đó, bạn mất nhận thức về kế hoạch sắp tới của mình", giáo sư Diamond nói.

Các nghiên cứu trong suốt 20 năm của ông chỉ ra hiệu ứng ghi đè này đặc biệt dễ xảy ra trong một số tình huống như các bậc cha mẹ đang gặp căng thẳng, bị thiếu ngủ hay khi họ có việc đột xuất nào đó khiến thói quen thường ngày bị thay đổi.

Ví dụ, một đứa trẻ trong gia đình thông thường được bố đưa đi học. Nhưng ngày hôm đó, người bố có việc bận nên nhiệm vụ này sẽ được chuyển sang cho người mẹ. Người mẹ mặc dù đã tận tay đưa con mình lên ô tô. Nhưng trong quá trình di chuyển, với một yếu tố nhiễu loạn nào đó, chẳng hạn như một cuộc điện thoại từ công ty hoặc một tai nạn trên đường, não bộ người mẹ có thể chuyển từ chế độ trí nhớ tương lai về chế độ trí nhớ thói quen.

Cô lái xe một mạch từ nhà tới công ty trong vô thức, bỏ quên con mình khi đứa trẻ đang ngủ gục ở góc khuất của hàng ghế sau. Lúc này, nếu may mắn, một tín hiệu nào đó như việc nhìn thấy chiếc balo của trẻ, có thể sẽ kéo trí nhớ tương lai của người mẹ quay lại.

Nhưng nếu không có bất kỳ điều gì đủ mạnh để dập tắt trí nhớ thói quen, người mẹ sẽ tiếp tục đi làm cả ngày như bình thường và thảm họa sau đó sẽ xảy ra khi đứa trẻ bị nhốt một mình trong xe.

"Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng bộ não của chúng ta phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ trong ngày. Và như một phần của quá trình đa nhiệm đó, nhận thức về sự có mặt của một đứa trẻ có thể bị mất đi", giáo sư Diamond nói.

"Chúng ta phải chấp nhận rằng trí nhớ của con người cũng có nhiều khiếm khuyết. Điều đó bao gồm cả việc các bậc cha mẹ yêu thương, chu đáo không để ý đến con cái mình khi chúng ở trong ô tô".

Làm thế nào để phòng tránh?

Các nghiên cứu dựa trên thống kê và khảo sát các bậc phụ huynh cho thấy cứ 4 người thì có 1 người thú nhận họ từng quên mất sự tồn tại của chính con ruột mình trong ô tô. Điều này đặc biệt đúng với những bậc cha mẹ có con nhỏ dưới 3 tuổi, những người mới lần đầu làm cha làm mẹ.

Điều này cũng đặc biệt đúng trong trường hợp các bậc cha mẹ bị mất ngủ, gặp căng thẳng hoặc có thói quen thay đổi như giáo sư Diamond nói.

Chẳng hạn như năm 2015, một trường hợp bỏ quên trẻ trong ô tô đã xảy ra ở tiểu bang Victoria, miền đông nam Australia. Nạn nhân là Noah Zunde, một bé trai 22 tháng tuổi ngày hôm đó được mẹ đưa tới nhà trẻ.

Thế nhưng, mẹ cậu sau đó đã quên mất sự tồn tại của Noah trong ô tô mà cứ thế lái xe đi làm. Thậm chí ngay cả khi đến buổi chiều về, bà ấy vẫn lái xe đến nhà trẻ để đón cậu, đinh ninh rằng mình đã thả Noah ở nhà trẻ lúc sáng.

"Tôi cam đoan 100% rằng cô ấy tin rằng cô ấy đã đưa con mình tới đây vào buổi sáng hôm đó", nhân viên chăm sóc trẻ cho biết về phản ứng của người mẹ trong buổi chiều hôm đó. Cô ấy sau đó đã ngã gục khi phát hiện ra con mình đã bị bỏ quên ở ghế sau xe ô tô từ sáng đến chiều. Và cậu bé đã tử vong.

Hai năm sau, phiên tòa xét xử người mẹ mới được mở. Hồ sơ điều tra cho thấy trong vòng 1 tuần trước khi tai nạn xảy ra, người mẹ này đã bị mất ngủ vì đau dạ dày. Cô sau đó gặp căng thẳng nặng khi con gái lớn của mình bị ốm, sau đó thì cậu bé Noah cũng quấy nhiều vì mọc răng.

Luật sư bào chữa cho người mẹ nói rằng cô ấy đã ở trong tình trạng "kiệt sức" vì mệt mỏi. Cô cũng phải đối mặt với một số thay đổi trong thói quen buổi sáng thường lệ của mình vào ngày hôm đó, khi cô chở chồng đến ga xe lửa.

Thiếu tín hiệu hình ảnh và âm thanh – người mẹ không thể nhìn thấy Noah trên ghế trẻ em quay mặt về phía sau, cậu bé cầm hộp cơm trưa thay vì để ở ghế hành khách phía trước, và cậu giữ im lặng, rất có thể là đang ngủ.

Matthew Mundy, một phó giáo sư tâm lý học của Đại học Monash, đã làm chứng về mặt chuyên môn trước tòa án rằng trong trường hợp "cơn bão hoàn hảo" này, bất cứ người mẹ nào cũng có thể mắc phải hội chứng bỏ quên trẻ trong ô tô.

Ông cung cấp các bằng chứng nghiên cứu, trong đó có các công trình của giáo sư Diamond và hai báo cáo chuyên môn về sinh lý học và khoa học thần kinh về hệ thống trí nhớ của con người để bào chữa cho người mẹ trong trường hợp này.

Thẩm phán của phiên tòa sau đó đã bị thuyết phục. Người mẹ sau đó được miễn trách nhiệm hình sự.

"Tôi không nghĩ rằng việc bỏ tù những người cha người mẹ vì cái chết của con cái họ trong những trường hợp như thế này là phù hợp", giáo sư Diamond đồng ý.

"Việc trí nhớ thói quen có thể chiếm đoạt và ghi đè lên trí nhớ tương lai khiến các bậc cha mẹ mất nhận thức về sự hiện diện của đứa trẻ trong ô tô là một ví dụ bi thảm để chúng ta tìm hiểu những sai hỏng của não bộ khi nó hoạt động ở chế độ trí nhớ đa tác vụ. Không có dấu hiệu nào trong các trường hợp tôi đã nghiên cứu cho thấy những bậc cha mẹ này thể hiện hành động cố ý liều lĩnh hoặc sơ suất nghiêm trọng đối với phúc lợi của đứa trẻ".

Dẫu vậy, nỗi ám ảnh lương tâm chắc chắn sẽ không tha thứ cho bất kỳ người cha người mẹ nào từng bỏ quên chính con mình trong xe. Câu hỏi đặt ra là: "Làm thế nào chúng ta có thể ngăn những thảm kịch này xảy ra ngay từ đầu?".

Theo giáo sư Diamond, bước đầu tiên để tránh những thảm kịch này xảy ra là chúng ta, mỗi người cha, người mẹ và người chăm sóc trẻ cần hiểu rằng trí nhớ con người có thể có những sai lầm chết người. Chúng ta không bao giờ được chủ quan, dù tự cho mình là những người có trách nhiệm và chu đáo nhất.

Sau đó, một số chiến lược dưới đây có thể sẽ giúp ích:

1. Thiết lập các quy trình đảm bảo sự an toàn cho trẻ: Ví dụ, các bậc cha mẹ có thể thỏa thuận với nhà trẻ, rằng họ sẽ luôn thông báo cho nhà trẻ biết khi nào con họ sẽ đi trễ hoặc vắng mặt. Đổi lại, nhà trẻ sẽ cam kết thông báo cho phụ huynh nếu trẻ không tới lớp đúng giờ hoặc không có mặt như thường lệ. Ngoài ra, bạn có thể đặt lời nhắc trên điện thoại của vợ hoặc chồng, để đảm bảo rằng họ đã đưa con tới lớp.

2. Tự tạo ra những lời nhắc trực quan: Đặt túi tã, áo khoác, gấu bông, đồ chơi hoặc mũ của trẻ ở hàng ghế phía trước hoặc taplo xe để luôn nhắc nhở mình về sự hiện diện của trẻ trong xe

3. Buộc mình phải kiểm tra hàng ghế sau: Hãy giữ thói quen để hộp cơm, ba lô, hoặc cặp sách của trẻ ở hàng ghế sau để buộc bạn phải xuống đó kiểm tra mỗi lần đưa đón trẻ.

4. Luôn khóa xe: Và để chìa khóa xe ở xa tầm tay trẻ nhỏ.

5. Không bao giờ để trẻ một mình trong xe: Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và thời gian nào, bất kể nhiệt độ ngoài trời là bao nhiêu, đừng bao giờ để con bạn một mình trong xe vì bạn có thể bị đãng trí và rơi vào hội chứng bỏ quên trẻ bất cứ lúc nào.

Cập nhật: 30/05/2024 ĐSPL
  • 237