Những điều cần biết về hội chứng "cổ rùa"

Hội chứng "cổ rùa" là gì?
  •  
  • 310

Hội chứng cổ rùa (text neck syndrome) chỉ tình trạng vẹo cổ do thiết bị công nghệ, cổ trên được giữ ở tư thế uốn cong, vươn về phía trước, gây hại sức khỏe.

Tại Hội nghị khoa học vật lý trị liệu Việt Nam lần thứ 2, hôm 16/6, các chuyên gia khoa Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Đại học Hồng Bàng (TP HCM) cho biết ở tư thế cổ rùa, cơ và các mô phải chịu những tổn thương do căng thẳng lặp đi lặp lại khi cổ thường xuyên phải uốn cong về phía trước, ảnh hưởng đến độ cong của cột sống cổ, cơ bắp, các dây chằng hỗ trợ, lâu dài gây ra thoái hóa đốt sống cổ sớm ở người trẻ.

Dấu hiệu dễ nhận biết chính là các cơn đau đầu, đau cổ, vai và lưng, ngứa ran hoặc tê tay. Ngoài ra, nếu dành thời gian nhiều giờ xem điện thoại đi động, rướn cổ về phía trước quá lâu có thể khiến cơ cổ dài ra và cơ ngực ngắn lại, điều này có thể gia tăng áp lực lên cột sống.

Hội chứng cổ rùa không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng như hạn chế khả năng vận động, ảnh hưởng hô hấp, tiêu hóa, gây mất thẩm mỹ...

Nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng cổ rùa, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do tư thế đi đứng không đúng, lưng không thẳng và vai thường xuyên bị dao động, thời gian sử dụng điện thoại nhiều, góc gập cổ trung bình thấp quá mức. Khi cơ thể được uốn cong, áp lực lên cột sống cổ cũng tăng lên. Khi cúi đầu về phía trước càng nhiều, cột sống cổ phải chịu sức nặng của đầu càng lớn.

Các chuyên gia nhận định với sự phổ biến rộng rãi của các thiết bị công nghệ, hội chứng này đang ảnh hưởng đến không chỉ người lớn mà cả trẻ em. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Hồng Bàng khảo sát 425 sinh viên tại TP.HCM cho thấy tỷ lệ mắc hội chứng cổ rùa là 46,6%, tức có gần 200 người mắc.

 Hội chứng cổ rùa ảnh hưởng đến độ cong của cột sống cổ, cơ bắp cổ và vai.
Hội chứng cổ rùa ảnh hưởng đến độ cong của cột sống cổ, cơ bắp cổ và vai. (Ảnh: Spinesurgeonpune).

Hội chứng cổ rùa ở trẻ rất khó khắc phục nếu không điều trị từ sớm. Cột sống của trẻ càng lớn sẽ càng khó điều chỉnh, trẻ trên 15 tuổi sẽ rất khó thay đổi tư thế so với trẻ nhỏ hơn. Nếu xuất hiện các cơn đau cổ, vai gáy, ảnh hưởng cột sống, sức khỏe, nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn vật lý trị liệu điều chỉnh tư thế.

Để phòng bệnh, bạn nên giữ điện thoại ở ngang tầm mắt (tư thế này tốt cho cơ cánh tay) và đặt màn hình máy tính đủ cao để bạn có thể nhìn thẳng, thay vì nhìn xuống. Cố gắng duy trì tư thế sao cho cột sống nên nằm trên một đường thẳng từ đỉnh đầu đến xương cụt. Nên hạn chế nhìn vào màn hình máy tính hoặc điện thoại quá lâu.

Nếu công việc yêu cầu làm việc nhiều trên máy tính, cố gắng đứng dậy đi lại 20-30 phút và dành thời gian ngoài giờ làm việc cho các hoạt động thể chất. Một số động tác như xoay vai, kéo giãn sẽ giúp cơ cổ được vận động và định vị lại tư thế

Cập nhật: 19/06/2024 VnExpress
  • 310