Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dùng mã độc để chống lại chính những kẻ đã sáng tạo ra nó. Kế sách lấy độc trị độc liệu có hiệu quả trong trường hợp này.
Các quan chức cảnh sát Đức hiện đang rất quan tâm tới ý tưởng thiết kế ra công cụ phần mềm giúp họ giám sát máy tính của những đối tượng bị tình nghi có dính líu đến các hoạt động bất hợp pháp.
Về bản chất một công cụ phần mềm như thế này không khác gì mã độc thường được sử dụng trong vụ tấn công lừa đảo trực tuyến hoặc ăn cắp thông tin với khả năng ghi lại các thao tác bàn phím, tên mật khẩu tài khoản đăng nhập ...
Trong khi đó, các hãng bảo mật lại không mấy mặn mà với ý tưởng này và tuyên bố ứng dụng chống mã độc của họ sẽ không bao giờ bỏ qua "mã độc" do chính các cơ quan quản lý cài đặt lên PC người dùng.
Magnus Kalkuhl - một chuyên gia phân tích virus của Kaspersky Lab - hôm 15/3 cho biết nước Đức mới đây đã xác nhận kế hoạch chi 264.000 USD vào ý tưởng "lấy độc trị độc" nói trên. Nguồn chi phí đó sẽ được dùng để tài trợ cho việc phát triển hai chương trình phần mềm như thế. Dự án này mang tên "Trojan liên bang" (Federal Trojan).
Nhưng toà án Đức lại đang đặt nghi vấn liệu việc sử dụng loại công nghệ đó có phù hợp với luật pháp hiện hành không bởi đơn giản người dùng sẽ không thể biết họ đang bị theo dõi bởi chính cơ quan quản lý.
Chaos Computer Club của Đức tháng trước cũng lên tiếng phản đối chương trình đó của chính phủ và tuyên bố hành động giám sát theo dõi như thế là vi pham nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người.
Về mặt thực tế xem ra dự án nói trên của chính phủ Đức cũng khó có thể thực hiện bởi những kẻ tội phạm Internet biết cách tấn công người khác thì chúng cũng biết cách tự bảo vệ mình. Không thiếu các phần mềm chống virus hiện có trên thị trường. Đặc biệt là khi các hãng bảo mật tuyên bố không loại trừ cả phần mềm của chính phủ.
Cho dù bị bắt buộc Kaspersky cũng không bao giờ thay đổi phần mềm bảo mật của mình để cho phép các "mã độc cảnh sát" lây nhiễm lên PC người dùng. Điều đó vi phạm tôn chỉ phát triển sản phẩm của hãng, Kalkuhl khẳng định.
Mikko Hypponen - Giám đốc phụ trách nghiên cứu của hãng bảo mật F-Secure - cho biết hãng của ông có cùng quan điểm với Kaspersky.
Hoàng Dũng