Dùng nhau thai cứu người

  •  
  • 1.246

Nhau cuống rốn cắt từ rốn trẻ sơ sinh có đường kính khoảng 1cm, dài trung bình từ 50-60cm. Đoạn nhau thai trên sau khi được chiết, tách sẽ thu được khoảng 24ml máu cuống rốn, có 900 triệu tế bào gốc. Qua đó, có thể dùng giúp đỡ những bệnh nhân điều trị bệnh thiếu máu di truyền, bẩm sinh và các bệnh ác tính của cơ quan tạo máu.

Cuống rốn chữa bệnh nan y

Tách tế bào gốc máu cuống rốn từ nhau thai tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học.

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Bệnh viện (BV) Truyền máu và Huyết học TPHCM, hiện ở Việt Nam, những chứng bệnh ác tính về máu như ung thư bạch cầu nguyên bào (ALL), bệnh bạch cầu tủy bào mãn tính (CML), ung thư bạch huyết cầu (NHL), thalassemia (gọi chung là thiếu máu) đã được thay máu bằng các phương pháp ghép tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi và tế bào gốc máu cuống rốn.

Trong hai phương pháp đầu, người bệnh được nhận tế bào tạo máu của người có cùng huyết thống hoặc người có máu tương đồng.

Vì vậy phương pháp trên gặp khó khăn phải kiếm được người phù hợp. Còn cách ghép tế bào gốc máu cuống rốn có ưu điểm giúp chủ động hơn về nguồn cung cấp và dễ dàng lựa chọn đồng gien.

Đến nay, BV Truyền máu và Huyết học TP đã thực hiện thành công 9 ca ghép máu cuống rốn. Trong đó, 5 ca được lấy tế bào gốc máu cuống rốn từ ngân hàng máu của BV còn 4 trường hợp lấy từ Tokyo (Nhật Bản).

Các bệnh nhân trước khi ghép sẽ diệt tủy bằng tia xạ hoặc hóa chất, rồi cấy ghép tế bào gốc tạo máu. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian nằm viện điều trị phòng ngừa đào thải chỉ từ 6 đến 8 tuần. Sau đó người bệnh có thể điều trị thêm 6 tháng ở nhà.

Bác sĩ Bỉnh cho biết: “Chi phí các ca ghép tế bào gốc máu cuống rốn hiện còn khá cao, khoảng 300 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với hộ gia đình nghèo. Bên cạnh đó, mẫu tế bào gốc chưa nhiều nên chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Một khó khăn nữa là ghép tế bào gốc máu cuống rốn chỉ thực hiện được với trẻ em có trọng lượng dưới 30kg. Do một dây rốn của trẻ sơ sinh, sau khi chiết, tách thu được khoảng 900 triệu tế bào gốc, chỉ đủ số lượng tế bào cấy ghép cho người có trọng lượng dưới 30kg”.

Ngân hàng máu cuống rốn – nguồn chữa bệnh tương lai

Khâu bảo quản tế bào gốc máu cuống rốn tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học.

Từ kết quả đã đạt được, Bộ KH-CN đã quyết định xây dựng “Ngân hàng tế bào gốc cuống rốn khu vực phía Nam và ứng dụng trị liệu trên người” đến năm 2012.

Theo bác sĩ Bỉnh, để có được một ngân hàng máu cuống rốn đủ đáp ứng thì cần phải có trên 10.000 đơn vị mẫu. Hiện nay, BV mới lưu trữ được 1.800 mẫu đạt tiêu chuẩn.

Dự kiến, sau khi cơ sở mới của bệnh viện hoạt động (quý 2, 2007), sẽ có thêm phòng lưu trữ với dung lượng khoảng 3.600 mẫu, con số này cũng mới đạt khoảng 50% yêu cầu lưu trữ.

Việc lưu trữ cuống rốn không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, theo quan niệm xưa, việc “chôn nhau, cắt rốn” giúp xua đuổi tà ma, đồng thời đánh dấu một cuộc sống mới cho các em nên cũng ảnh hưởng đến việc thu thập cuống rốn lưu trữ.

Ngoài ra, kinh phí để xây dựng các kho lưu trữ mẫu cũng rất lớn. Các mẫu tế bào gốc máu cuống rốn phải được giữ trong môi trường đông lạnh nitơ lỏng, âm1960C mới có thể bảo quản tốt trong thời gian 20 năm.

Việc sàng lọc, chiết, tách một mẫu cuống rốn ban đầu cũng tốn hơn 10 triệu đồng. “Đây chính là những khó khăn mà Ngân hàng tế bào gốc cuống rốn gặp phải thời gian qua. Vì vậy, tuy có nhiều hiệu quả nhưng số lượng mẫu cuống rốn chưa nhiều để đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên trong tương lai, bằng tiến bộ khoa học sẽ giúp nhân các tế bào hoặc ghép nhiều tế bào máu cuống rốn khác nhau tạo thành số lượng lớn, từ đó có thể thực hiện cấy ghép cho nhiều bệnh nhân mà không bị giới hạn về trọng lượng” bác sĩ Bỉnh đánh giá.

LÊ QUANG TRỌNG

Theo Sài Gòn giải phóng
  • 1.246