Urban legend, hay truyền thuyết đô thị, là các mẩu truyện mang tính chất kinh dị nhưng chưa được xác thực, đa số đã được cắt xén, thêm bớt theo thời gian. Và dù được gọi là "đô thị" nhưng các truyền thuyết này không nhất thiết phải bắt nguồn từ đô thị, nên thường được gọi là "truyền thuyết hiện đại" nhiều hơn.
Nhật Bản nằm trong số những đất nước sở hữu rất nhiều "urban legend" đáng sợ. Họ thậm chí coi đó là đặc sản không thể thiếu dành cho mùa hè, cho những đêm cắm trại rực lửa nóng bức.
Vấn đề nằm ở chỗ rất nhiều trong số các urban legend của Nhật Bản lại dựa trên câu chuyện có thật - hay ít nhất một phần trong đó là thật. Chẳng hạn như câu chuyện về "đường hầm ma ám" Inunaki và ngôi làng cùng tên được cho là "kinh dị nhất Nhật Bản", dù vẫn còn tranh cãi về việc nó có tồn tại hay không!
Đường hầm Inunaki - con đường dẫn vào ngôi làng nổi tiếng trong truyền thuyết đô thị Nhật Bản. Ảnh: SNPR.
Khoảng đầu thập niên 1970, một cặp đôi trẻ lái xe lên dốc bên sườn núi Inunaki. Họ dự định đi đến Hisayama - nằm ở phía bên kia ngọn núi. Và để đến được đó, họ phải vượt qua một con đường hẹp, hướng đến đường hầm Inunaki.
Tuy nhiên, ngay trước cửa hầm, động cơ của chiếc xe bất ngờ gặp trục trặc, tốc độ dần chậm lại rồi dừng hẳn, chết máy. Nhìn ra ngoài, họ phát hiện một lối đi phía bên phải con đường, nên bỏ xe để đi tìm sự giúp đỡ.
Đi được một lúc, cặp đôi trông thấy tấm biển có nét chữ viết tay: "Hiến pháp Nhật Bản không còn được áp dụng sau điểm này". Cung đường mỗi lúc một khó khăn hơn, cây cối ngày càng rậm rạp. Sau khi đi hết lối mòn, họ đến một ngôi làng nhỏ âm u đến đáng sợ.
Nhìn qua, ngôi làng dường như đã bị bỏ hoang. Nhà cửa ở đây đều tối tăm, đổ nát. Sóng điện thoại cũng không có, xung quanh tĩnh lặng không có lấy một âm thanh nào. Cặp đôi chậm rãi ngó nghiêng, vượt qua nhiều ngôi nhà nhưng mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi. Chỉ có sự âm u kèm không khí rợn người ngày càng lộ rõ.
Ngọn núi Inunaki, nơi ngôi làng cùng tên toạ lạc. Ảnh: SNPR.
Cảm thấy tình hình hơi kỳ lạ, cặp đôi quyết định quay trở về. Nhưng đúng lúc này, có thứ gì đó đột nhiên chuyển động trong một ngôi nhà. Thế rồi một người đàn ông đứng ra giữa đường, hét lớn: "Chào mừng tới làng Inunaki!".
Hắn đứng cách họ khoảng 30m. Nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó, hắn đã lập tức đến trước mặt họ chỉ sau vài bước chân.
"Chúng tôi rất quý mến khách đến làng, nhưng sợ họ sẽ bỏ đi mất". Dứt lời, gã dùng một lưỡi hái xẻ dọc cổ họng chàng trai trẻ, động tác nhanh đến kinh hoàng. Chàng trai đáng thương mắt mở to, sốc tột độ, rồi đổ gục xuống nền đất.
Cô gái hoảng loạn tìm cách bỏ chạy, nhưng gã đã tóm được cô bằng một lực nắm mạnh hơn bất kỳ thứ gì cô từng cảm nhận trong đời. Gã nhấc cô bằng một tay, ném xuống đường một cách tàn bạo.
Từng có bộ phim kinh dị của Nhật Bản dựa trên câu chuyện có thật về ngôi làng và đường hầm Inunaki. (Ảnh: SNPR).
Trước khi lưỡi hái lia xuống, cô quay đầu nhìn về ngôi nhà gần nhất và nhận ra sự thật kinh hoàng của ngôi làng này: bên trong vô vàn là xác người! Hóa ra, lý do ngôi làng tĩnh lặng như vậy là vì tất cả dân làng đã chết, dưới lưỡi hái tử thần của gã đàn ông điên loạn kia.
Cặp đôi trẻ từ đó mất tích, không ai biết tin gì thêm. Ngày nay, người ta vẫn nhìn thấy chiếc xe 4 chỗ màu trắng ở đó, đóng bụi, phủ rêu bên vệ đường, ngay sát con đường nhỏ hướng vào khu rừng.
Câu chuyện trên chỉ là một trong số rất nhiều truyền thuyết đô thị về làng Inunaki, dù là câu chuyện nổi tiếng nhất. Bản thân ngôi làng này có một địa thế hết sức phù hợp cho những câu chuyện ma: đường vào làng hẹp và nhỏ, rừng rậm xung quanh âm u, nhà cửa không có người ở... Tuy nhiên, thứ gây ám ảnh nhiều nhất chủ yếu nằm ở con đường dẫn vào làng, xoay quanh sự xuất hiện của "đường hầm quỷ ám".
Ảnh minh hoạ về giai thoại đáng sợ của địa điểm ma ám này. Ảnh: SNPR.
Trên thực tế, ngọn núi này có 2 đường hầm để thông xe giữa 2 bên sườn núi. Một đường hầm đã cũ, ngắn hơn, cong hơn và dài chưa đến 100 m. Đường hầm kia thì mới hơn, dài và thẳng thớm hơn.
Đường hầm mới được xây dựng từ năm 1975, có đông người qua lại, và cũng chẳng có câu chuyện nào đồn thổi xung quanh nó cả. Nhưng đường hầm cũ thì khác. Bản thân nó nổi tiếng đến mức trở thành bối cảnh chính trong bộ phim kinh dị của Nhật Bản năm 2019 - Ngôi làng Tử khí (Howling Village), với vô số những câu chuyện kỳ lạ xung quanh.
Theo lời người dân địa phương, khu vực xung quanh và bên trong đường hầm hiện giờ toàn rác thải và các hình vẽ bậy sau những buổi tiệc tùng của giới trẻ. Trên thực tế, người dân ở đây quả là có sợ đường hầm này, nhưng không phải vì ma ám mà là do các băng đảng thường xuyên chọn đây làm nơi tụ tập.
Về cơ bản, đường hầm Inunaki được xem là điểm nóng của các hiện tượng tâm linh, nhưng không phải với người địa phương. Họ chỉ muốn sống yên bình dù ở đó có ma hay không. Các tin đồn về đường hầm và ngôi làng bị ma ám không phải do họ tung ra.
Đường hầm giờ chằng chịt vết sơn màu và ngập ngụa rác. Ảnh: SNPR.
Tháng 2/2020, đài truyền hình Fukuoka đã gửi một nhóm phóng viên tới đường hầm Inunaki - mặt thông ra thành phố Miyawaka. Ở mặt này, đường hầm đã bị niêm phong, không thể xâm nhập.
Nhóm phóng viên cũng cho biết, đã nghe thấy những âm thanh lạ trong hầm, đồng thời ghi nhận nhiệt độ hạ từ 12 độ C xuống còn 9 độ C khi đến gần lối vào. Tuy nhiên, không có bất kỳ hiện tượng nào có thể xem là "kỳ quái" xảy ra cả.
Lối vào ngôi làng giờ đã bị niêm phong. Ảnh: SNPR.
Quả thực là có một ngôi làng mang tên Inunaki, tại một thung lũng cũng có tên là Inunaki. Ngôi làng được thành lập vào thời Edo, cư dân sống thoải mái nhờ nghề làm gốm và đúc thép. Ngành khai thác than đá xuất hiện, họ lập ra lâu đài Inunaki-gobekkan vào năm 1865. Nhưng rồi đến năm 1970 sau khi đập Inunaki được xây dựng, ngôi làng bị bỏ hoang vì cư dân chuyển sang sinh sống tại vùng Wakita lân cận.
Và ngôi làng này thì... chẳng liên quan gì đến làng Inunaki ma ám chúng ta bàn đến ở trên cả. Nói cách khác, ngôi làng Inunaki bị ma ám thực ra là không có thật!
Theo như các câu chuyện truyền miệng, làng "tử khí" Inunaki được cho là nằm ở sườn núi Inunaki, tỉnh Fukuoka, và là một ngôi làng không có thực. Nó còn được gọi là "làng chó hú", gắn với truyền thuyết một người đàn ông trong làng giết chú chó của mình vì nó không ngừng hú lên, nhưng sau đó cả nhà ông bị sát hại.
Còn nói về đường hầm Inunaki, dường như nó được xây dựng vào hậu Thế chiến II - cụ thể là năm 1949 trước khi bị thay thế bằng đường hầm mới vào năm 1975. Vì có đường mới, hầm cũ ít được sử dụng tới, trở nên hoang phế và nguy hiểm hơn vì không được bảo trì. Sau cùng, nó bị niêm phong bằng cổng sắt ở cả hai đầu hầm.
Con đường dẫn vào làng và đường hầm bị rào chắn. Ảnh: SNPR.
Đường hầm này cũng là nơi xảy ra một vụ án mạng kinh hoàng (và có thật). Ngày 6/12/1988, một công nhân nhà máy tên Koichi Umeyama bị sát hại gần đường hầm này. Thủ phạm là một băng đảng tội phạm. Chúng đã hỏi "xin đểu" chiếc ô tô của Umeyama. Khi bị từ hối, chúng lôi anh ta ra, kéo vào hầm sát hại rồi thiêu luôn xác. Những kẻ gây án sau đó đã bị bắt giữ, với bản án tù chung thân đưa ra vào năm 1991. Dẫu vậy, cách thức gây án tàn nhẫn và mất nhân tính của chúng đã khiến dư luận cảm thấy bàng hoàng, phẫn nộ.
Đường hầm Inunaki cũ ngày nay đã bị niêm phong hoàn toàn ở đầu Miyawaka. Tuy nhiên đầu hầm bên Hisayama phía tây nam niêm phong không quá kỹ, vẫn có thể trèo vào được.
Có vẻ như các câu chuyện về làng Inunaki bắt nguồn từ một lá thư gửi đến Nippon TV vào năm 1999. Lá thư viết về việc có một con đường nhỏ bên cạnh đường hầm Inunaki cũ, đề cập đến tấm bảng "Hiến pháp Nhật Bản vô hiệu sau điểm này", và câu chuyện về cặp đôi trẻ bị sát hại cũng như sự hung dữ của dân làng. Trước đó, bản thân đường hầm Inunaki cũng đã rất nổi tiếng vì cái chết của Koichi Umeyama vào năm 1988.
Những câu chuyện về hồn ma ám ảnh ngôi làng cũng có "tuổi đời" gần giống như vậy, không thể quá được 30 năm. Dĩ nhiên, chuyện ma ám thì cũng không bắt buộc phải có từ lâu đời, nhưng sự thật thì các bằng chứng liên quan đến ngôi làng này đều quá lỏng lẻo để trở thành thật.
Và nói tóm lại, ngôi làng Inunaki được xác nhận là không có thật. Đường hầm kia cũng không có gì đáng sợ, trừ phi bạn xem các băng đảng tụ tập nhậu nhẹt xả rác ở đây là một điều đe dọa.