Embolotherium: Loài tê giác sở hữu chiếc sừng giống như loài bọ hung

  •  
  • 161

Loài tê giác cổ đại này có tên là Embolotherium, chúng sống ở Mông Cổ và các khu vực khác ở Đông Á, với hầu hết các hóa thạch được tìm thấy ở sa mạc Gobi.

Hóa thạch rất quan trọng trong việc giúp con người tìm hiểu về quá khứ. Với Trái đất có tuổi ước tính khoảng 4,543 tỷ năm, một lượng sự sống không thể tưởng tượng được từng gọi hành tinh này là nhà của chúng.

Năm sự kiện tuyệt chủng xảy ra trên Trái đất đã xóa sổ nhiều loài, nhưng may mắn thay, hóa thạch của những loài này có thể giúp chúng ta tìm hiểu về lịch sử rộng lớn của sự sống.

Bài viết này sẽ nói về một loài tê giác cổ đại có tên Embolotherium hiện đã tuyệt chủng, còn được gọi là "Quái thú sấm sét". Một số người có thể nói rằng loài vật này trông giống như một con tê giác thất bại của tạo hóa vì cái đầu có hình dạng độc đáo của chúng, nhưng còn rất nhiều điều thú vị khác để tìm hiểu về chúng.

Trong số tất cả các loài tê giác cổ đại, Embolotherium là loài có "sừng" đặc biệt nhất
Trong số tất cả các loài tê giác cổ đại, Embolotherium là loài có "sừng" đặc biệt nhất, trông thực sự giống như một chiếc khiên rộng, bằng phẳng gắn lên từ cuối mõm của nó.

Embolotherium là một chi động vật đã tuyệt chủng, tên của chúng được dịch từ tiếng Hy Lạp là "Quái thú sấm sét". Loài vật này sống vào cuối kỷ Eocene ở Đông Á.

Tên của nó liên quan đến phần nhô ra từ hộp sọ, khiến nó trông giống như một con tê giác hiện đại phiên bản "lỗi". Tuy nhiên chúng lại là họ hàng xa của các loài động vật như ngựa, heo vòi và tê giác hiện đại.

Embolotherium là một loài động vật có vú cổ đại rất lớn, chỉ được biết đến qua những tàn tích hóa thạch không hoàn chỉnh. Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà cổ sinh vật học mới chỉ khám phá ra hai loài thuộc chi này là Emblotherium andrewsi và Embolotherium grangeri.

Embolotherium là một loài động vật có vú cổ đại rất lớn
Embolotherium là một loài động vật có vú cổ đại rất lớn, chỉ được biết đến qua những tàn tích hóa thạch không hoàn chỉnh.

Mặc dù không có hóa thạch hoàn chỉnh của Embolotherium, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho phép nghiên cứu chuyên sâu về loài động vật cổ đại này được tiến hành. Năm 1928 trong hệ tầng Ulan Gochu ở Nội Mông, Trung Quốc là nơi những hóa thạch đầu tiên của Embolotherium được phát hiện.

Được Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ tài trợ, nhà thám hiểm người Mỹ Roy Chapman Andrews và nhà cổ sinh vật học Walter W. Granger đã dẫn đầu một đoàn thám hiểm vào Trung Quốc để khám phá các hóa thạch của những loài đọng vật cổ xưa.

Các hàm và hộp sọ hóa thạch khác của Emolotherium đã được phát hiện trong Hệ tầng Baron Sog và Hệ tầng Shara Murun. Hóa thạch của loài động vật này chỉ được biết đến ở Đông Á, bao gồm cả những phát hiện trong sa mạc Gobi.

Vì chúng là loài động vật thuộc họ Brontotheriidae, nên các loài động vật khác như Megacerops từ Bắc Mỹ đã giúp các nhà khoa học miêu tả vẻ ngoài của Embolotherium. Trong những mô tả ban đầu, giới nghiên cứu đã liệt kê hơn một chục loài Embolotherium, nhưng các nghiên cứu sâu hơn đã cắt giảm số lượng loài xuống chỉ còn hai loài.

Cấu trúc "sừng" kỳ lạ này có thể được sử dụng để tạo nên sự khác biệt ở vẻ ngoài
Cấu trúc "sừng" kỳ lạ này có thể được sử dụng để tạo nên sự khác biệt ở vẻ ngoài (con đực có "sừng" càng to càng dễ dàng thu hút được sự chú ý của con cái) hoặc để cộng hưởng âm thanh.

Dù không có hóa thạch hoàn chỉnh nào của Embolotherium được tìm thấy, nhưng nhờ vào những dữ liệu đã biết về các loài Brontotheriidae khác như Megacerops, các nhà khoa học có thể ước tính kích thước của chúng.

Embolotherium được ước tính có chiều cao khoảng 2,5 mét và chiều dài lên tới 5 mét, ước tính chúng có thể nặng khoảng 2 tấn. Phần xương phát triển lớn nhô ra khỏi mặt dài khoảng 70 cm.

Các mô tả về loài động vật này cho thấy chúng trông rất giống với tê giác hiện đại, nhưng chúng có xương mũi phát triển lớn thay vì sừng.

Có giả thuyết cho rằng tấm sừng trước mũi của chúng có thể đã được sử dụng làm bộ cộng hưởng khuếch đại âm thanh của chúng. Tất cả các mẫu vật đã biết của chúng đều có xương mũi phát triển thành tấm lớn.

Embolotherium sống vào cuối Kỷ nguyên Eocene ở Đông Á.
Embolotherium sống vào cuối Kỷ nguyên Eocene ở Đông Á.

Embolotherium sống ở Mông Cổ và các khu vực khác ở Đông Á, với hầu hết các hóa thạch được tìm thấy ở sa mạc Gobi. Loài vật này sống trong Kỷ Eocene, khoảng 41 đến 34 triệu năm trước đây.

Trong khoảng thời gian này, sa mạc Gobi sở hữu cảnh quan vô cùng khác so với ngày nay. Với thảm thực vật rất phong phú trong sa mạc này giống môi trường sống vùng đất ngập nước hơn là khô cằn như hiện tại.

Răng của Embolotherium cho thấy chúng là động vật ăn cỏ. Chúng có răng cắt thay vì mài. Do đó, có thể thấy rằng chúng là loài thích ăn những thực vật thân mềm, không cần nhai nhiều. Môi trường sống vùng đất ngập nước với nhiều thực vật mềm là nơi loài vật này có khả năng sinh sống.

Mặc dù có kích thước khổng lồ và phát triển rất mạnh trong kỷ Eocene, tuy nhiên Embolotherium đã tuyệt chủng vào cuối kỷ Eocene. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, đến cuối thế Eocene, khu vực châu Á mà loài động vật này sinh sống trở nên khô hạn hơn.

Những loài thực vật mềm mà chúng ăn đã bị thay thế bằng thảm thực vật khô hơn, cứng hơn khiến chúng khó ăn hơn. Các loài động vật khác đã cố gắng để thích nghi với môi trường, nhưng Embolotherium đã không thể làm được điều đó và dẫn đến tuyệt chủng.

Cập nhật: 10/01/2023 PNVN
  • 161