Gạch men có phóng xạ

  •  
  • 762

Mới đây, một đo đạc được thực hiện tại Trung tâm hạt nhân TP.HCM khẳng định, một số loại gạch men có mức độ phóng xạ vượt giới hạn cho phép. 

Thực hiện đo đạc phóng xạ tại Trung tâm hạt nhân TP.HCM. Trong ảnh: Mẫu gạch men được nghiền, bỏ vào lọ để đưa vào trong thiết bị đo phóng xạ

Ts Trần Văn Luyến và cộng sự thuộc Trung tâm hạt nhân TP.HCM đã tiến hành đo đạc mức độ phóng xạ của 20 loại vật liệu xây dựng như xi-măng, gạch, ngói… đang có bán trên thị trường TP.HCM.

Đây là những loại vật liệu xây dựng dạng trôi nổi, thường bán phổ biến ở các cửa hàng vật liệu xây dựng và được thu thập ngẫu nhiên để làm mẫu đo.

Kết quả đo đạc cho thấy, các vật liệu xây dựng như gạch Đà Nẵng, gạch men trắng, gạch men nâu, đá granite nâu có hàm lượng phóng xạ cao hơn bình thường.

Nếu tính ra liều hiệu dụng trung bình hàng năm thì một số lọai vật liệu xây dựng như gạch men nâu, đá Đà nẵng, gạch men trắng, gốm giả đá, gốm Hạ long và một vài lọai vật liệu khác gây ra liều hiệu dụng cao hơn so với trung bình của thế giới. Cụ thể, gạch Đà Nẳng có hàm lượng phóng xạ là 1,16 mSV/năm; gạch men trắng: 1,22 mSv/năm; gạch men nâu: 1,66mSv/năm; granite nâu: 0.61 mSv/năm. Trong khi đó, giá trị liều giới hạn theo qui định chung trên thế giới là 1mSv/năm.

"Liều hiệu dụng" có thể hiểu nôm na là mức độ liều phóng xạ chiếu vào mô cơ thể. Để dễ hình dung, có thể so sánh, một lần chụp X quang thường phải chịu liều từ 0,2 đến 5 mSv.

Sơ đồ cho thấy, một số loại vật liệu xây dựng như đá Đà Nẵng, gạch men trắng, gạch men nâu... vượt quá liều hiệu dụng (vạch đỏ) 1mSv/năm


Theo TS. Trần Văn Luyến, ở nước ta, chưa có một quy định cụ thể nào về việc sử dụng các loại vật liệu làm vật liệu xây dựng và trang trí. Tất cả là tùy thuộc vào khả năng tài chính và sở thích của người sử dụng.

Vì thế, một số loại vật liệu có hàm lượng phóng xạ khá cao vẫn được sử dụng phổ biến.

Sở dĩ các loại vật liệu xây dựng nói trên mang tính phóng xạ là do nguyên liệu khai thác từ tự nhiên đã mang tính phóng xạ. Điều vô tình này đã gây tác hại rất nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Vẫn theo TS Trần Văn Luyến, để hạn chế tác hại của tia phóng xạ trong vật liệu xây dựng thì sự thông thoáng của ngôi nhà là một yếu tố quan trọng.

Các phòng ở nên được xây thoáng, có cửa sổ hoặc hệ thống thông gió để đảm bảo sự trao đổi khí với môi trường ngoài. Trong các phòng có sử dụng máy lạnh, cần sử dụng thêm quạt thông gió để tránh không khí bị “quẩn” dẫn đến việc tập trung phóng xạ ở một vị trí nhất định trong phòng.

Nông Khắc Ý

Theo VietNamNet
  • 762