Gặp lại những tài năng Toán học Việt Nam một thời

  •  
  • 1.203

Trong số 30 nhà khoa học, nghiên cứu sinh giúp tổ chức cuộc thi Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 48, có những nhà Toán học thuộc thế hệ 7X và 8X từng đoạt các huy chương vàng, bạc, đồng.

Lê Anh Vinh, 24 tuổi đang làm Tiến sĩ Toán ở ĐH Harvard, Mỹ. Năm 2001, anh đoạt giải Bạc IMO 2001 và nhận được học bổng của Chính phủ Việt Nam và Australia học tại ĐH New South Wales.

Sau đó Vinh đã được nhận học bổng Tiến sĩ tại trường ĐH Harvard. Mỗi năm Harvard chỉ nhận 10 sinh viên đến làm luận án tiến sĩ và Vinh là người Việt Nam duy nhất năm ấy có vinh dự này.

Hiện nay, ở Harvard cũng chỉ có chưa đến 10 người Việt Nam đang học tập, nghiên cứu. Kế hoạch của Vinh là hoàn thành bằng tiến sĩ tại Harvard, làm việc ở nước ngoài vài năm để lấy kinh nghiệm rồi về nước.

Vợ chồng Đào Thị Thu Hà, 26 tuổi và Trần Minh Anh, 28 tuổi thực sự gây ấn tượng với người trò chuyện bởi sự trẻ trung và năng động. Thu Hà học khối chuyên THPT thuộc ĐH Khoa học tự nhiêm (ĐHQG Hà Nội) và theo học 2 năm hệ cử nhân tài năng của trường này. Sau đó Hà sang Pháp học tại ĐH Ecole Polytechnique, rồi làm luận văn thạc sĩ và đang làm luận án tiến sĩ.

Minh Anh (thứ nhất trái), Thu Hà (giữa) và Anh Vinh (cuối) giao lưu cùng các tài năng trẻ VN trở về nước chấm thi tại IMO (Ảnh: TTO)

Khi sang Pháp, Hà gặp Minh Anh, học trước cô một khoá. Sau 4 năm cùng nhau học tập, họ làm lễ cưới. Đã cưới nhau được 2 năm, cặp vợ chồng này chưa có kế hoạch sinh em bé mà lại có kế hoạch “làm ra” 2 bằng tiến sĩ và tiếp đó là 2 bằng sau tiến sĩ tại Stanford University (Mỹ).

Hà Huy Tài, người dự thi IMO lần thứ 30 tại Trung Quốc và lần thứ 31 tại Thụy Điển, sau tấm huy chương bạc, Tài được nhận vào học tại ĐH Curtin University of Technology (Australia). Học xong đại học, anh làm nghiên cứu sinh tại Queen’s University (Canada). Hoàn thành tiến sĩ, anh về nước và công tác tại Viện Toán. Từ năm 2001- 2004, anh sang Mỹ làm luận án sau Tiến sĩ ở ĐH Missouri - Columbia. Hiện nay, anh vẫn thuộc biên chế Viện Toán và cùng lúc tham gia giảng dạy tại ĐH Tulane University (Mỹ).

Tài khẳng định chúng ta có nhiều tiềm năng Toán học, có thể nhìn thấy ở các kết quả đạt được của Việt Nam trong các cuộc đọ sức quốc tế. Các nước đánh giá rất cao việc dạy kiến thức Toán học cho học sinh phổ thông tại Việt Nam. Các nghiên cứu về Toán học của Việt Nam cũng được đánh giá cao trong các nước phát triển và được thế giới biết đến.

Tài cho biết, về đầu vào, sinh viên Việt Nam được chuẩn bị rất tốt một phần do phải cạnh tranh trong một kỳ thi ĐH hết sức khó khăn. Nhưng sinh viên các nước phát triển có ý thức học tập nghiên cứu hơn sinh viên ở Việt Nam rất nhiều do họ phải đóng những khoản học phí khổng lồ cho các trường ĐH phần lớn là trường tư.

Hơn thế nữa, các trường của ta mỗi học kỳ chỉ kiểm tra 1 lần trong khi nước bạn kiểm tra liên tục với các bài tập lớn bắt buộc sinh viên phải học. Đó là điều làm nên sự khác biệt giữa khả năng nghiên cứu học tập của sinh viên trong nước và nước ngoài.

Để thu hút các sinh viên, nhà khoa học trở về nước cống hiến, theo anh, không có gì khó khăn bởi, với những người làm khoa học, điều quan trọng là cần có cơ sở vật chất đủ tốt để nghiên cứu khoa học. Theo Huy Tài, các ngành khoa học cơ bản sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế đất nước.

Theo Tiền Phong
  • 1.203