Con gấu trúc bạch tạng duy nhất trên thế giới đã xuất hiện trở lại với bộ lông màu trắng vàng.
Giới chức tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 16/1 cho biết đã một lần nữa ghi lại được hình ảnh của con gấu trúc bạch tạng duy nhất trên thế giới. Trong lần xuất hiện này, màu lông tại bốn chân của nó đã ngả sang màu vàng.
Con gấu trúc độc nhất vô nhị này được phát hiện lần đầu vào giữa năm 2019. Hình ảnh được ghi nhận tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọa Long (tây nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) cho thấy nó có đầy đủ các đặc điểm của hội chứng bạch tạng như màu lông trắng như tuyết, móng vuốt trắng và cặp mắt màu đỏ.
Hình ảnh con gấu trúc bạch tạng khi nó xuất hiện lần đầu năm 2019. (Ảnh: Weibo).
Vào đầu năm nay, con gấu trúc này được nhìn thấy một lần nữa trong khu bảo tồn khi nó đang đi qua một cánh đồng tuyết.
Ba ngày sau, hình ảnh của nó đã được các máy ảnh đặt trên sườn núi ghi lại từ khoảng cách 1km. Con gấu trúc mất khoảng 10 phút để đến chân núi, sau đó biến mất.
"Con gấu trúc đã lớn hơn rất nhiều và có vóc dáng cứng cáp. Hình ảnh cho thấy nó hiện khoảng ba tuổi và phần lông trắng tại chân của nó đã chuyển vàng", Tan Yingchun, một người trong dự án bảo tồn và nghiên cứu gấu trúc bạch tạng, nói.
Với việc con gấu trúc này xuất hiện một mình trong cả hai đoạn ghi hình, các nhà nghiên cứu tin rằng hiện nó đã rời tổ và không còn sống chung với mẹ.
Li Sheng, nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh đồng thời là chuyên gia về gấu, giải thích rằng đột biến gene bạch tạng sẽ ức chế sự tổng hợp melanin trong cơ thể động vật, khiến chúng có màu trắng, trắng vàng hay vàng nhạt.
Bệnh bạch tạng thường không ảnh hưởng đến cấu trúc cơ thể của con vật. Tuy nhiên, nó có thể khiến con vật nhạy cảm trước ánh nắng trực tiếp và dễ bị phát hiện hơn. Ông Li cho biết mình cảm thấy vui sướng khi con gấu trúc đặc biệt này đã lớn lên an toàn và lành lặn, khi nó có thân hình mũm mĩm và thích nghi cơ bản với môi trường sống.
"Con gấu này có thể đã di chuyển khỏi nơi nó sinh ra để tìm môi trường sống mới, vốn là điều thường xuất hiện ở gấu trúc cái. Vì thế, đây có thể là một con gấu trúc cái hoang dã và đã rời xa mẹ", ông Li phát biểu.
Khu bảo tồn có kế hoạch mỏ rộng phạm vi giám sát và áp dụng các công nghệ như xét nghiệm ADN để tìm kiếm các manh mối mới nhằm hiểu hơn về sự phân bố của đột biến bạch tạng trong quần thể gấu trúc địa phương.
Liệu đột biến bạch tạng có ảnh hưởng đến tình trạng thể chất của loài gấu trúc hay không vẫn là một bí ẩn lớn. Các nhà khoa học hy vọng sẽ có thể nghiên cứu sâu hơn về đề tài này, từ đó nâng cao hiểu biết của con người về giống loài gấu cổ xưa này.