Một đội y bác sỹ Australia và một chiếc máy bay phản lực của nước này đã được điều tới Nam Cực và sẽ hạ cánh trên băng để cứu một nhà khoa học bị ốm tại Trạm McMurdo của Mỹ.
Đơn vị Nam Cực Australia (AAD), một chi nhánh của phòng môi trường thuộc chính phủ, nói rằng Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) đã đề nghị họ trợ giúp.
Trạm McMurdo của Mỹ.
Phát ngôn viên NSF Debbie Wing nói rằng nước Mỹ không còn máy bay phục vụ nhiệm vụ nên Australia đã đồng ý cho thuê chiếc Airbus A319 để đưa bệnh nhân ra khỏi Nam Cực. Không quân Hoàng gia New Zealand sẽ cung cấp hoạt động tìm kiếm và cứu nạn cho chuyến bay.
"Đội bác sỹ Australia sẽ ở tại Christchurch, New Zealand vào cuối ngày 9/8 và sẽ bay tới Trạm McMurdo khi thời tiết và ánh sáng thuận lợi", AAD cho biết.
Nam Cực mới xuất hiện sau sáu tháng chìm trong bóng tối và Wing nói rằng các phi công có kế hoạch tới một đường băng nằm gần trạm. Bà không nêu đích danh bệnh nhân nhưng cho biết người này "đang ổn định nhưng sẽ cần phẫu thuật lập tức, vốn nằm ngoài khả năng của trạm McMurdo".
Giám đốc AAD Tony Fleming nói rằng mọi quốc gia có lợi ích ở Nam Cực nên "hợp tác chặt chẽ với nhau trong tình huống khẩn cấp kiểu này để hỗ trơ khi cần thiết".
Việc sơ tán để cấp cứu y tế ở Nam Cực rất ít khi xảy ra. Lần cuối cùng người ta làm việc này là vào tháng 10/2010, khi một nhà khoa học Mỹ bị đột quỵ tại Trạm Amundsen-Scott.
Khoảng 30 nước đã đặt các trạm nghiên cứu lâu dài ở Nam Cực, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Argentina và Australia.