Qua quá trình nghiên cứu loài bạch tuộc, các nhà khoa học đã tìm thấy rất nhiều điều thú vị và áp dụng chúng vào khoa học công nghệ, giúp tạo ra những đổi mới đáng ngạc nhiên. Ví dụ như các sắc tố đặc biệt trên da của chúng giúp chúng ta tạo ra những bộ quần áo có thể thay đổi màu sắc, chất chitosan trong mực của chúng được sử dụng để tạo ra một loại bóng bán dẫn protein, cách di chuyển của chúng có thể được mô phỏng để áp dụng cho các robot thân mềm.
>>> Vì sao xúc tu bạch tuộc không bị rối vào nhau?
Không chỉ dừng lại ở đó, mới đây các nhà khoa học đã tiếp tục nghiên cứu các giác hút trên xúc tu của chúng, họ đã phát hiện ra một cơ sở mới để phát triển loại vật liệu có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực phẫu thuật tái tạo.
Họ đã phát hiện ra các giác hút trên xúc tu của chúng có những chiếc răng đặc biệt, rất nhỏ và vô cùng sắc nhọn. Chúng sử dụng các xúc tu với giác hút của mình để bám vào các bề mặt cũng như khiến con mồi của chúng không thể chạy thoát, tuy nhiên không chỉ sử dụng lực hút từ những giác hút này, chúng còn sử dụng những chiếc răng đặc biệt để bám chắc hơn.
Một điều kỳ lạ đó là những chiếc răng này có cấu trúc hoàn toàn bằng protein. Trong khi đó, những dạng tương tự trong tự nhiên (trong đó có xương hay vỏ các loài giáp xác) đều chứa các khoáng chất như canxi clorua, khiến chúng có độ cứng nhất định.
Các nhà khoa học tại đại học Công nghệ Nanyang, Singapore đã xác định được thành phần của các loại protein tạo nên những chiếc răng đặc biệt này. Các thành phần này được hình thành theo một mạng lưới polymer “ß-sheet”, một cấu trúc tương tự tơ nhện và khiến tơ nhện có độ bền rất cao.
Với kết quả của nghiên cứu này, các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra được cấu trúc protein này, sau đó sử dụng để tạo ra các loại vật liệu tái tạo tổng hợp. Loại vật liệu này sẽ được sử dụng để tạo ra các dây chằng nhân tạo, xương nhân tạo và những bộ phận đặc biệt khác trong cơ thể.