Giải mã bí ẩn trong bàn chân tê giác

  •   1,73
  • 5.540

Một nhóm chuyên gia tại Anh đang tìm hiểu bí quyết khiến những bàn chân khá nhỏ của tê giác có thể chịu được trọng lượng cơ thể to lớn của chúng.

>>> Tê giác Sumatra ở Malaysia được kết đôi để nhân giống

Tê giác là một trong những động vật to nhất trên cạn. Trong suốt nhiều thập kỷ qua giới khoa học không thể tìm ra đáp án cho câu hỏi: Tại sao những bàn chân nhỏ của tê giác có thể đỡ thân hình to lớn của chúng?

Giờ đây một nhóm chuyên gia của Đại học Thú y Hoàng gia Anh (RVC) quyết tâm tìm ra câu trả lời.

“Bàn chân của tê giác là một bí mật đối với chúng tôi”, giáo sư John Hutchinson, một nhà nghiên cứu của RVC, phát biểu.

Chân của tê giác khá nhỏ so với thân hình cồng kềnh của chúng.
Chân của tê giác khá nhỏ so với thân hình cồng kềnh của chúng.

BBC cho biết, Hutchinson và các đồng nghiệp huấn luyện những con tê giác trong vườn thú Colchester bước qua một thanh được gắn nhiều cảm biến. Những cảm biến đo lực trên một đơn vị diện tích. Dữ liệu về lực hiện ra trên màn hình máy tính dưới dạng ảnh có độ phân giải cao.

Tiến sĩ Olga Panagiotopoulou, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói rằng họ quan tâm tới những khác biệt trong cách mà chân của voi và tê giác chống đỡ khối lượng cơ thể. Voi có 5 ngón chân hướng về phía trước và một “ngón chân giả” hướng về phía gót. Tê giác chỉ có ba ngón chân.

“Những dữ liệu sơ bộ của chúng tôi cho thấy sự khác biệt giữa cách thức phân phối trọng lượng cơ thể giữa chân voi và chân tê giác. Áp lực chủ yếu đè lên phần bên ngoài của bàn chân voi, trong khi phần bên trong bàn chân tê giác nhận phần lớn trọng lượng cơ thể. Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là tìm hiểu xem sự khác biệt đó xuất phát từ yếu tố nào”, Panagiotopoulou nói.

Nhóm nghiên cứu cho rằng kiến thức về cách bàn chân tê giác chống đỡ trọng lượng cơ thể có thể giúp giới khoa học tạo ra những ứng dụng thú vị trong tương lai.

“Nếu hiểu bàn chân của tê giác, chúng ta có thể nghĩ ra cách chế tạo những thiết bị có khả năng mang theo trọng tải lớn trong quá trình di chuyển”, giáo sư Hutchinson giải thích.

Theo BBC, VNE
  • 1,73
  • 5.540