Giải mã 'thác máu' bí ẩn ở Nam Cực

  •   4,52
  • 3.146

Trong quá trình tìm hiểu những thác nước màu đỏ ở Nam Cực, các nhà khoa học Mỹ phát hiện nhiều hợp chất hóa học tạo nên màu sắc kỳ lạ của chúng. 

Một thác màu đỏ chảy ra từ sông băng Taylor tại Nam Cực. Ảnh: Reuters.


Sông băng Taylor là một trong những vị trí được giới khoa học và các nhà thám hiểm quan tâm nhiều nhất tại Nam Cực, bởi có một số thác nước chảy ra từ đây vào mùa hè. Điểm đặc biệt của những thác này là chúng rất lạnh, siêu mặn và có màu đỏ như máu. Vì thế mà người ta gọi chúng là những "thác máu" (Blood Fall).

Các nhà khoa học của Đại học Darthmouth và Đại học Harvard (Mỹ) quyết định tìm hiểu bí mật của những thác máu. Họ khẳng định nguồn cung cấp nước cho các thác máu là một hồ mặn ở bên dưới lớp băng. Nhờ các kỹ thuật hiện đại, họ xác định được rằng hồ nước mặn cách bề mặt băng khoảng 400 mét mà không phải khoan sâu xuống.

Nhóm nghiên cứu tin rằng cách đây vài triệu năm, hồ nước mặn từng là một phần của đại dương tại cực nam của địa cầu. Khi mực nước ở đại dương giảm mạnh, hồ bị tách ra. Sau nhiều lần bốc hơi với tốc độ cao, độ mặn của hồ cao gấp 4 lần so với đại dương. Nhờ độ mặn đó mà nó không đóng băng dù nằm giữa Nam Cực. Cách đây khoảng 1,5-2 triệu năm, sông băng Taylor dịch chuyển qua hồ và bịt kín nó. Vào mùa hè, nhiệt độ ở Nam Cực đủ ấm để nước trong hồ trào lên bề mặt băng.

Để tìm hiểu nguyên nhân khiến các thác máu có màu đỏ, nhóm nghiên cứu phân tích mẫu nước của chúng. Kết quả cho thấy trong nước có các hợp chất của lưu huỳnh và sắt. Khi hợp chất của sắt hòa tan trong dung dịch lỏng, các ion sắt tạo ra màu đỏ cho dung dịch.

“Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời, giống như khi Archimedes tìm ra định luật về sức đẩy của chất lỏng. Chính các ion sắt đã tạo nên màu đỏ cho các thác máu”,
Jill Mikucki, một nhà khoa học của Đại học Darthmouth, phát biểu. Ông cho biết sẽ cùng các cộng sự tiếp tục tìm xem hợp chất sắt và lưu huỳnh tới từ đâu.

Theo VnExpress (Newscientist)
  • 4,52
  • 3.146