Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách có thể tạo ra điện năng khi nước mặn chảy qua một bề mặt kim loại gỉ sét.
Theo hãng tin RT, kết quả công trình nghiên cứu đã chứng minh tiềm năng một phương thức sản xuất năng lượng bền vững mới.
Quá trình sản sinh điện năng có thể hữu dụng trong tương lai để tạo ra năng lượng trên các phương tiện như nhà giàn hay phao nổi trên biển. (Ảnh minh họa - RT).
Thông thường, các hợp chất kim loại và nước muối phản ứng tạo điện. Đó là kết quả phản ứng hóa học làm thay đổi ít nhất một trong các hợp chất trong kim loại, từ đó hợp chất mới được hình thành.
Các nhà khoa học làm việc tại Viện Công nghệ California Caltech và Đại học Northwestern, Mỹ đã phát hiện ra rằng sét gỉ có khả năng chuyển đổi động năng của dòng chảy nước mặn thành điện.
“Hiệu ứng tương tự có thể xảy ra đối với các vật liệu khác. Bạn có thể lấy một giọt nước muối và cho nó chảy qua siêu vật liệu graphene, điện sẽ được tích tụ”, Giáo sư Tom Miller thuộc nhóm nghiên cứu giải thích.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng hiện tượng lắng đọng hơi vật lý (PVD), biến vật liệu rắn thông thường thành hơi ngưng tụ trên bề mặt mong muốn, nhằm đảm bảo gỉ sét hình thành một lớp mỏng đều. Bề mặt này có thể mỏng chỉ bằng khoảng 1/10.000 lần so với sợi tóc người.
Khi dung dịch nước muối chảy qua bề mặt gỉ sét này, ion trong nước sẽ thu hút electron dưới lớp rỉ và phản ứng tạo ra dòng điện. Quá trình sản sinh điện năng có thể hữu dụng trong tương lai để tạo ra năng lượng trên các phương tiện như nhà giàn hay phao nổi trên biển.