Giày cao gót dành cho đàn ông

  •  
  • 2.066

Qua nhiều thế hệ, giày cao gót luôn là biểu tượng của nữ tính và sự quyến rũ đầy mê hoặc, nhưng ít ai biết được nó từng là vật dụng tối cần thiết cho một quý ông thời xưa.

Đẹp đẽ, khiêu khích, gợi cảm và còn hơn thế nữa, nhưng giày cao gót chưa bao giờ được nhìn nhận ở khía cạnh thực tế. Chúng không thuận tiện khi leo núi hoặc đạp xe. Phụ nữ mang giày cao được khuyên nên tránh bước vào cỏ, hoặc bước trên băng, đường trải sỏi hoặc sàn trơn trợt. Đối với một số người, đi giày cao gót là chuyện bất khả thi, giống như thể chúng được thiết kể để làm kiểng là chủ yếu chứ không xỏ vào chân đi được. Và đó thật ra là mục đích ban đầu khi giày cao gót xuất hiện. “Giày gót cao đã được mang hàng thế kỷ tại vùng Cận Đông khi các kỵ sĩ cần cưỡi ngựa”, BBC dẫn lời Elizabeth Semmelhack của Viện bảo tàng giày Bata ở Toronto (Canada). Kỹ năng cưỡi ngựa thuần thục là điều tiên quyết cho các chiến binh trên lưng ngựa ở Ba Tư, ngày nay là Iran. Khi người lính đứng trên bàn đạp ngựa, gót giày giúp họ giữ vững tư thế để bắn cung thật chính xác, theo bà Semmelhack.

Vua Louis 14 và đôi giày thương hiệu của nước Pháp
Vua Louis 14 và đôi giày thương hiệu của nước Pháp - (Ảnh: Studyblue.com)

Đến cuối thế kỷ 16, vua Ba Tư Shah Abbas I nắm trong tay binh đoàn kỵ binh lớn nhất thế giới. Ông theo đuổi chính sách thắt chặt quan hệ với phương Tây với hy vọng đánh bại được kẻ thù hùng mạnh là đế chế Ottoman. Do vậy, vào năm 1599, vua Abbas gửi đoàn sứ thần đầu tiên đến châu Âu, cụ thể là Nga, Na Uy, Đức và Tây Ban Nha. Ngay lập tức những chiếc giày lạ mắt đã lọt vào cặp mắt chuộng thời trang của giới quý tộc. Đáng ngạc nhiên là đôi giày gót cao lúc đó lại được cho có khả năng mang lại vẻ ngoài rắn rỏi, đầy nam tính cho cánh đàn ông. Khi xu hướng thời trang này lan sang giới bình dân, phe quý tộc phản ứng bằng cách tăng dần độ cao của gót, bất chấp sự bất tiện khi đứng vắt vẻo trên một đôi giày lênh khênh, hay trong trường hợp lội bùn trên các con đường lầy lội ở châu Âu hồi thế kỷ 17.

Một đôi giày “khủng” của đàn ông thời xưa
Một đôi giày “khủng” của đàn ông thời xưa - (Ảnh: Bata Shoes Museum)

Theo chuyên gia Semmelhack, một trong những cách tốt nhất để khẳng định vị thế của cánh quý tộc chính là chuộng những loại quần áo, giày dép càng bất tiện càng tốt. Khi nói đến nhà sưu tập giày nổi tiếng nhất lịch sử, chưa chắc cựu đệ nhất phu nhân một thời của Indonesia là Imelda Marcos qua mặt được vua Louis 14 của Pháp. Louis 14 chỉ cao khoảng 1m63 và với giày cao gót, ông đôn thêm được 10 cm. Thay vì giấu đi như nhiều đàn ông thời nay, vị vua Pháp lúc nào cũng mang một đôi giày thật nổi bật, với đế và gót luôn đỏ tươi. Và xu hướng thời trang này nhanh chóng lan sang các nước láng giềng, bất chấp chiều cao và độ tuổi. Bức họa được thực hiện vào năm 1661 của vua Charles II xứ Anh cho thấy ông mang một đôi giày đỏ chói lóa, kiểu Pháp, dù bình thường đức vua cũng đã cao 1m85. Đến thập niên 1670, vua Louis 14 ban hành chiếu chỉ tuyên bố chỉ thành viên trong triều đình mới được mang giày gót đỏ. Bất chấp lệnh cấm, những đôi giày bắt mắt vẫn hiện diện khắp nơi, một cách không chính thức, và tất nhiên, dưới bàn chân của cánh đàn ông.

Đến cuối thế kỷ 18, phong trào đàn ông từ bỏ trang sức và vật dụng diêm dúa đã được khởi động tại Anh, và giày cao gót chuyển thành đặc trưng dành riêng cho nữ giới. Đến nay, có vẻ như giày đế cao đã quay trở lại ở phái mạnh. Cũng giống như thời xưa, nhà lãnh đạo khởi động trào lưu mang giày cao gót ở nam giới cũng là một người Pháp, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy. Ông thường xuyên đi giày cao từ 5 đến 7cm để cải thiện chiều cao, tạo cảm hứng cho các chính trị gia, thương gia và những người thuộc phái mạnh mà lỡ thiếu thước tấc mạnh dạn dùng giày cao gót. Với “hiệu ứng Sarkozy”, lịch sử đang lặp lại.

Theo Thanh Niên
  • 2.066