Xe điện Luniaq có cửa sổ làm bằng nhôm trong suốt và sử dụng công nghệ lốp không hơi để di chuyển trên bề mặt Mặt trăng gồ ghề.
Công ty Anh Xtend Design giới thiệu ý tưởng về mẫu xe điện Mặt trăng mới mang tên Luniaq, lấy cảm hứng từ xe điện Enyaq của hãng Skoda, tại Tuần lễ Vũ trụ Czech diễn ra từ ngày 5 - 12/11. Nhà thiết kế chính của Luniaq là kiến trúc sư không gian Tomas Rousek từng làm việc tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA.
Thiết kế xe điện 4 chỗ Luniaq chạy trên Mặt trăng. (Ảnh: Xtend Design)
Luniaq chở được tối đa 4 phi hành gia, có khả năng hoạt động tự động và điều khiển từ xa. Hai bên xe trang bị hai cửa sập để kết nối với các module của căn cứ trên Mặt trăng. Phía sau xe là nơi thay quần áo riêng biệt cho phép các phi hành gia trực tiếp chui vào bộ đồ vũ trụ mà không để bụi Mặt trăng nguy hiểm xâm nhập vào cabin.
Điện được tích trữ trong pin thể rắn có thể sạc bằng hệ thống pin mặt trời trên nóc xe. Các tấm pin mặt trời có khả năng xòe ra thành hình quạt và cho phép sạc trong lúc xe đỗ hoặc chạy chậm. Nóc xe cũng trang bị bộ tản nhiệt để làm mát vào ban ngày và ăng-ten để liên lạc với căn cứ Mặt trăng, Trái đất, các trạm vũ trụ và vệ tinh.
Luniaq sử dụng công nghệ lốp Tweel không hơi, chống thủng của Michelin. Những bánh xe lớn và mềm dẻo sẽ giúp chiếc xe chạy trên bề mặt gồ ghề của Mặt trăng dễ dàng hơn.
Các cửa sổ lớn trên xe được làm bằng nhôm trong suốt, có khả năng chống chịu những vật thể như mảnh vỡ bay hoặc mẩu đá nhỏ tốt hơn kính. Các tấm chắn bằng polyethylene sẽ bảo vệ phi hành gia khỏi bức xạ. Trong khi đó, hệ thống camera lập thể gắn trên nóc xe sẽ khảo sát địa hình và giúp chiếc xe vận hành tự động.
Dù chưa rõ có thể đưa vào sản xuất hay không, mẫu xe mới vẫn góp phần thể hiện khát vọng của con người trong việc đặt chân lên các thiên thể ngoài vũ trụ. "Chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người về cách chúng tôi tiếp tục phát triển công nghệ, về việc sống và lái xe ở những nơi khác Trái đất trong tương lai", Rousek chia sẻ.