Giữ độ phì cho đất trồng cây lâu năm

  •   32
  • 4.244

Xói mòn là một hiện tượng phổ biến ở những vùng đất dốc có mùa mưa tập trung như miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Theo báo cáo của Viện KHNN miền Nam thì trên vùng đất dốc bazan trồng cây khoai mì ở Đồng Nai, lượng đất bị mưa cuốn trôi trong vòng 2 năm là 51,38 tấn/ha. Cho nên lượng phân bón hằng năm chắc chắn sẽ không thấm thía vào đâu so với sự mất mát này. Vì vậy trên vùng đất dốc ta nên áp dụng một trong các biện pháp sau:

Cỏ Vetiver làm hàng rào được coi là một biện pháp chống xói mòn rất hữu hiệu

Cỏ Vetiver làm hàng rào được coi là một biện pháp chống xói mòn rất hữu hiệu (Ảnh: biolcom.com)

- Trồng cây thảm phủ hoặc biện pháp tủ đất để hạn chế mưa rơi trực tiếp trên mặt đất trồng.

- Trồng cỏ Vetiver làm hàng rào được coi là một biện pháp chống xói mòn rất hữu hiệu, dễ làm và ít tốn kém vì loài cỏ này có thân cứng có thể cản dòng nước chảy và có rễ ăn rất sâu vào lòng đất.

- Làm chậm bớt tốc độ dòng chảy bằng cách làm giảm chiều dài dốc và giảm độ dốc.

- Tăng cường bón phân hữu cơ hoặc luân canh cây trồng để góp phần cải thiện đặc tính đất, tăng độ thấm rút nước.

Để khai thác năng suất tối đa thì vấn đề chăm sóc và bón phân cho cây lâu năm là hết sức quan trọng, tuy nhiên cần chú ý:

- Hiệu lực phân hóa học được nâng cao khi bón phân hợp lý và cân đối. Ví dụ khi bón dư đạm, ít kali sẽ làm cho cây trồng suy giảm tính chống chịu, dễ bị sâu bệnh.

- Phân hữu cơ mặc dù không "bốc" như phân hóa học nhưng lại có tác dụng cải thiện tính chất lý, hóa, sinh của đất tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất hoạt động, làm đất tơi xốp, thấm nước tốt. Mặt khác trong phân hữu cơ ngoài lượng chất dinh dưỡng N,P,K còn chứa rất nhiều vi lượng cần thiết cho cây như Mg, Mn, Fe, Ca,...

Giữa các hàng cây lâu năm ở các năm đầu khi tán cây chưa khép, đất phải luôn được phủ xanh bằng các cây hoa màu phụ (cỏ Kudzu, đậu lông, đậu ma, đậu mèo) hoặc các cây phủ đất. Mục đích chống bốc thoát hơi nước, giữ ẩm, chống xói mòn, rửa trôi và hạn chế sự phát triển của cỏ dại.

Cỏ dại trong vườn cây ăn trái cũng gây ảnh hưởng xấu cho cây trồng như cạnh tranh dinh dưỡng, nước và là nơi cho mầm sâu bệnh khu trú và gây hại. Do đó chúng ta phải có biện pháp quản lý chúng, tuỳ loại cỏ và mục đích khai thác bà con có thể sử dụng nhóm thuốc diệt cỏ nhanh như Gramoxone hoặc nhóm thuốc diệt cỏ tận gốc như thuốc Glyphosan. Đối với những vùng trồng cây lâu năm bà con thường sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm Glyphosat (Glyphosan) vì những lý do sau:

- Thuốc tiêu diệt tận gốc rễ các loại cỏ khó trị như cỏ tranh, cỏ mỹ, cỏ gấu.

- Thân cỏ khi chết sẽ thối mục ra cung cấp thêm chất mùn, hoàn trả lại chất dinh dưỡng lấy đi từ đất. Đồng thời phần rễ cỏ khi bị phân hủy sẽ tạo thành những khoảng trống làm cho đất thêm thông thoáng, tơi xốp một cách tự nhiên.

- Những hạt thuốc dư rơi trên đất thì sẽ bị keo đất giữ lại trên bề mặt và sẽ bị phân hủy thành các chất vô hại nên sẽ không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Để sử dụng thuốc trừ cỏ Glyphosan một cách hiệu quả, bà con cần lưu ý:

- Nên diệt cỏ vào trước các đợt bón phân trong năm hoặc khi cỏ đã phát triển quá mức có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng.

- Khi pha chế thuốc thì tùy loại cỏ và mật độ cỏ dày hay thưa mà bà con nên chọn nồng độ pha và liều lượng phun phù hợp. Ví dụ với cỏ tranh pha 60 - 100 cc/8 lít nước, sử dụng 5 - 6 lít/ha nhưng đối với các loại cỏ tạp còn nhỏ chỉ cần pha 30 - 50 cc/8 lít nước và sử dụng chừng 3 - 4 lít/ha.

Theo Báo Nông nghiệp, KHKTNN
  • 32
  • 4.244