Dịch cúm A/H1N1 đang bùng phát mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới. Nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng lo lắng, bối rối và không biết xử lý thế nào khi thấy con cái mình có những triệu chứng của cúm.
Chúng ta nên lo lắng đến mức nào?
Khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát vào đầu năm nay, các chuyên gia y tế đã lo ngại “bóng ma” của dịch cúm năm 1918 (đại dịch cúm do loài virus từ chim gây nên, cướp đi sinh mạng của khoảng 40 triệu người) sẽ trở lại. Tuy nhiên, rất may chủng virus cúm A/H1N1 chỉ có mức độ nguy hiểm như cúm mùa thông thường.
“Hiện tại, virus cúm A/H1N1 chưa cho thấy có dấu hiệu biến đổi”, Tiến sĩ Fishman, chuyên gia về bệnh lây truyền tại Đại học Pennsylvania, nói. “May mắn là chủng virus cúm A/H1N1 hiện tại không nguy hiểm như chúng ta lo ngại, mức độ nguy hiểm của chúng cũng như các chủng virus cúm mùa bình thường.”
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng virus cúm A/H1N1 có thể biến đổi thành một chủng virus mới nguy hiểm hơn. Do vậy, mọi người cần cảnh giác và sử dụng các biện pháp phòng ngừa như rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và đeo khẩu trang. Khi có triệu chứng của virus cúm A/H1N1, bạn nên nghỉ ở nhà hoặc đến khám tại cơ sở y tế.
Charlie Houley, 8 tuổi, ở Annapolis, Md., đang được tiêm phòng cúm A/H1N1 (Ảnh: NYT) |
Trẻ em có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cao hơn?
Trẻ em thường có khả năng đề kháng kém hơn với virus cúm A/H1N1, mặt khác trẻ em và thiếu niên cũng thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể như ở trường học, nên đối tượng này có nguy cơ mắc các loại cúm cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ tử vong do cúm A/H1N1 cũng chỉ ngang bằng so với cúm mùa.
Theo báo cáo của cơ quan y tế liên bang, đã có ít nhất 36 trẻ em tại Mỹ tử vong do nhiễm cúm A/H1N1, trong đó một số ca tử vong do nhiễm khuẩn sau khi bị cúm A/H1N1. Trong khi đó mỗi năm, khoảng 40% trẻ em ở Mỹ bị nhiễm virus cúm mùa, trong đó 50-100 trẻ tử vong. Cho tới nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa thể khẳng định liệu cúm A/H1N1 có nguy hiểm hơn cúm mùa hay không.
Khi nào có vắcxin phòng cúm A/H1N1?
Chính phủ Mỹ dự định sẽ sản xuất 195 triệu liều vắcxin phòng cúm cúm A/H1N1. Hiện tại, lô 40 triệu liều vắcxin đầu tiên đang trong thời gian kiểm tra thử nghiệm và dự kiến sẽ được đưa ra sử dụng vào 15/10 tới. 30 triệu liều tiếp theo sẽ được xuất xưởng vào cuối tháng 10 này.
Trung tâm Phòng và Kiểm soát dịch bệnh cho biết vắcxin sẽ được ưu tiên tiêm cho các đối tượng là các nhân viên y tế, trẻ em và thanh niên, phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 6 tháng tuổi. Để phòng cúm A/H1N1 hiệu quả, mỗi người sẽ được tiêm hai mũi vắcxin cách nhau trong thời gian 3 tuần.
Khẩu trang phòng cúm (Ảnh: NYT) |
Các triệu chứng bị nhiễm cúm A/H1N1?
Ở trẻ em, có các dấu hiệu: sốt kèm theo ho, khó thở, da tái, tinh thần không tỉnh táo, không thích trò chuyện, lờ đờ, mất phương hướng. Khi trẻ có những dấu hiệu như trên, bạn nên liên lạc ngay với cơ quan y tế gần nhất để trẻ được chăm sóc kịp thời.
Đối với người lớn, có những triệu chứng như cúm thông thường là sốt, đau cổ họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ... Ngoài ra, phần lớn người bệnh còn có những biểu hiện khác như đau bụng, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân sẽ: thở nhanh, có cảm giác hụt hơi, chóng mặt đột ngột, tím môi hay đầu chi, lơ mơ...
Tôi có nên tiêm vắcxin phòng cúm mùa?
Có. Vắcxin phòng cúm A/H1N1 vẫn chưa được đưa vào sử dụng, do vậy hiện tại việc tiêm vắcxin phòng cúm mùa sẽ có thể giúp bạn và gia đình bạn nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giảm thiểu những nguy cơ nhiễm virus cúm A/H1N1.