Để chữa căn bệnh “nghiện” dầu mỏ, nước Mỹ cần có nhiều năng lượng hạt nhân hơn nữa. Một cuộc điều tra dư luận trong năm qua với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ở Paris cho thấy, ở nước Mỹ có 40% người dân cho rằng, năng lượng nguyên tử là an toàn và ủng hộ xây dựng các nhà máy mới; 29% cho rằng các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động là không có vấn đề gì, nhưng họ phản đối xây dựng nhà máy mới; và 20% cho rằng các nhà máy điện hạt nhân là mối nguy hiểm và muốn đóng cửa tất cả các nhà máy.
Cuộc điều tra ở 18 quốc gia, giầu và nghèo, cho thấy, ở Mỹ, năng lượng hạt nhân được nhìn nhận một cách thuận lợi hơn bất cứ quốc gia nào đã được khảo sát (trừ Hàn Quốc). Từ năm 1978, nước Mỹ không xây dựng thêm nhà máy điện nguyên tử mới. Ngay cả ở Pháp, nguồn điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân chiếm tỷ lệ cao, chỉ có 25 % số người được hỏi là ủng hộ xây nhiều nhà máy hơn nữa và 50 % nói đủ rồi, không nên có xây dựng thêm.
|
(Ảnh: state.pa.us) |
Vấn đề năng lượng hạt nhân hiện đang hồi phục trên thế giới. Trong năm 2005, 8 nhà máy điện hạt nhân lần lượt được đưa vào vận hành. Một nhà máy ở Ontario, (Canada), được tái khởi động sau một thời gian dài đóng cửa. Trên toàn cầu, 443 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động. Mới đây, Tổng thống Mỹ Bush đã đưa ra một
“Sáng kiến năng lượng ưu việt” trong đó đề nghị đầu tư xây dựng nhiều hơn các nhà máy điện từ than không có phát thải khí nhà kính; cách mạng hoá công nghệ năng lượng mặt trời và gió; và năng lượng hạt nhân sạch, an toàn. Trong bài Thông điệp liên bang, ông Bush nói rằng năng lượng hạt nhân là loại năng lượng sạch, tái tạo, có thể đáp ứng 50 % nhu cầu điện của nước Mỹ vào năm 2025.
Đối với Patrick Moore, người đồng sáng lập ra phong trào Hoà bình xanh cho rằng, năng lượng hạt nhân là giải pháp chỉ hiện thực đối với nhu cầu năng lượng trong tương lai. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề năng lượng chỉ bằng điện gió và điện mặt trời. Hai nguồn năng lượng này đầu tư rất tốn kém, quan trọng hơn là nguồn năng lượng này cung cấp không liên tục, bởi chỉ có điện khi có gió hoặc mặt trời chiếu sáng. Kinh tế cần nguồn năng lượng có thể cung cấp điện liên tục.
Than có thể là một nguồn năng lượng liên tục. Nhưng 1.300 nhà máy điện than ở Mỹ đã phát ra 10 % lượng khí thải nhà kính toàn thế giới. Vậy liệu chúng ta có muốn nhiều khí thải nhà kính làm thay đổi khí hậu trái đất?
Với lòng dũng cảm và được sự hậu thuẫn của Chính quyền Bush và Thượng viện, các công ty điện lực Mỹ đang xúc tiến xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.
Frank Bowman - Giám đốc Viện Năng lượng hạt nhân ở thủ đô Washington cho biết, 9 công ty, tổ hợp hoặc liên danh đã có kế hoạch chắc chắn xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân mới, ít ra cũng có từ 12-14 nhà máy ở 10 bang.
Với qui trình mới về cấp phép xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, giới công nghiệp hy vọng sẽ trình hồ sơ đầu tư lên Uỷ ban điều tiết năng lượng hạt nhân (NRC) trong năm tới và nhận được giấy phép vào năm 2010. Nhìn chung, phải mất một thập kỷ để chuẩn bị và xây dựng, trong đó xây dựng một nhà máy mất 4 năm. Đến năm 2025, nước Mỹ sẽ có thêm 30.000 MW điện do các nhà máy điện hạt nhân sản xuất, tương đương với công suất của 30 đến 50 nhà máy điện than.
Các quốc gia khác cũng đang có nhu cầu điện hạt nhân bổ sung. Tháng 11 năm 2005, Thủ tướng Anh Tony Blair nói, sẽ xem xét nghiêm túc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới.
Tỉnh Ontario, (Canada) đã quyết định khởi động lại hai lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Bruce để tăng thêm công suất phát điện cho nhà máy Pickering được đưa vào vận hành năm 2005.
Pakistan muốn mua 6 đến 8 lò phản ứng hạt nhân có công suất mỗi lò 600 MW của Trung Quốc trong thập kỷ tới.
Đức đã có kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trong năm 2020. Nhưng cuộc chiến giá khí đốt giữa Nga và Ukraina vừa qua và giữa Nga và Belarus, cộng thêm giá dầu khí tăng liên tục và việc cung cấp từ vùng Vịnh Ba Tư và Nga cũng không mấy ổn định, đã khiến cho nước Đức và các quốc gia khác suy nghĩ lại.
|
Ông Patrick Moore (Ảnh: Richardkeilphotography) |
Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm 27 nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2020 so với 9 nhà máy hiện có. Và sẽ còn tiếp tục, bởi Trung Quốc cũng nhận thấy, các nguồn năng lượng đều có vấn đề. Khai thác than đầy nguy hiểm. Đập thuỷ điện có thể gây tác hại môi trường. Khí mỏ thì dễ nổ. Dầu mỏ thì đắt. Tất cả nhiên liệu hoá thạch đều phát thải khí nhà kính. Phong điện thì ồn ào và các cánh quạt có thể hủy diệt chim muông.
Theo ông Patrick Moore, mối nguy hiểm đồng hành với năng lượng hạt nhân chỉ là cường điệu. Chưa tới 60 người bị thiệt mạng trong các sự cố năng lượng hạt nhân, nhưng ở Mỹ chưa có ai chết vì sự cố điện hạt nhân.
Một đoàn công tác quốc tế gồm hơn 100 nhà khoa học đánh giá sự cố trầm trọng nhất tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, (Ukraina) xẩy ra năm 1986. Báo cáo của Đoàn tháng 9 năm 2005 cho thấy, chỉ có gần 4.000 người chết vì nhiễm phóng xạ, trước đấy người ta dự đoán số người chết là 300.000 người.
Bọn khủng bố có thể lao máy bay xuống nhà máy điện hạt nhân. Nhưng một nhà máy điện hạt nhân hiện đại thì không thể bị đâm thủng được. Bức tường gian lò phản ứng dày 6 feet bê tông cốt thép, được bọc tấm thép dày một inch cả trong lẫn ngoài. Ngay cả một nhóm tự sát có thể thâm nhập vào được trong gian lò phản ứng, nhà máy cũng không thể phát nổ. Phóng xạ có thể phát tán, nhưng các tia phóng xạ này bị yếu đi nhanh chóng và chúng trở nên ít nguy hiểm hơn. Ông Patrick Moore cho biết như vậy.
Thực ra nhà máy điện chạy bằng khí ga hoá lỏng còn rủi ro hơn nhiều khi bị máy bay tấn công, có thể tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ.
Ông Patrick Moore ủng hộ bảo tồn năng lượng, hiệu quả sử dụng năng lượng, và các nguồn năng lượng thay thế. Năng lượng hạt nhân là quan trọng để cung cấp đủ điện trong tương lai. Phổ biến vũ khí hạt nhân là một nội dung tách biệt, cần phải có sự quan tâm một cách thực tế.
Trần Minh Huân (Trang 45- KHCN số tháng 1/2007 )