Hôm nay ngày 7/2/2020, Google thay hình ảnh Doodle do Cynthia Kittler thiết kế nhằm kỷ niệm tác phẩm thi ca nổi tiếng được ra mắt công chúng của Nhà thơ, nhà viết kịch và nghệ sĩ người Đức gốc Do Thái Else Lasker-Schüler. Vậy Else Lasker-Schüler là ai, bà có đóng góp gì cho nước Đức và kho tàng văn học thế giới nói chung?
Hình ảnh Doodle trên trang chủ ngày 7/2 nhằm kỷ niệm bài thơ trữ tình “Mein blaues Klavier” của Else Lasker-Schüler được xuất bản tại Thụy Sĩ vào ngày này năm 1937. (Nguồn: Google Doodle).
Đúng vào ngày này năm 1937, một tờ báo Thụy Sĩ đã xuất bản bài thơ nổi tiếng của bà mang tên “Mein blaues Klavier” - (“My Blue Piano”). Hình ảnh phím đàn piano được nghệ sĩ của Google thiết kế đầy tinh tế trên lưng lạc đà cùng những hình ảnh về cuộc sống và công việc khác của nữ nhà thơ Else Lasker-Schüler.
Else Lasker-Schüler sinh ra ở thị trấn Elberfeld phía tây nước Đức vào ngày 11/2/1869. Bà được nuôi dưỡng trong một gia đình Do Thái nổi tiếng. Được mẹ dạy học, ngay từ nhỏ, bà đã được khuyến khích thử nghiệm và khám phá sở thích nghệ thuật của mình, và theo thời gian, bà bắt đầu phát triển tài năng của mình như một nhà thơ.
Else Lasker-Schüler khi còn ở Berlin năm 1907 khi bà cho ra đời bài "The Nights of Tino of Baghdad". (Nguồn: Rixdorf Editions).
Năm 1894, Else Lasker-Schüler kết hôn với Jonathan Lasker và chuyển đến Berlin (thủ đô Đức), nơi sau đó bà xuất bản những bài thơ đầu tiên trong nước.
Dần dần, bà trở thành một nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ thuật Berlin, có cơ hội tiếp xúc với một số nhân vật văn học hàng đầu của thành phố.
Sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ năm 1903, Else Lasker-Schüler kết hôn với Georg Lewin - cây viết của tạp chí Der Sturm, nơi bà cộng tác với bút danh Herwarth Walden. Cuộc hôn nhân thứ hai cũng nhanh chóng kết thúc năm 1911.
Tập thơ đầu tay của bà có tên "Styx" được xuất bản năm 1902. Không chỉ làm thơ, bà còn viết kịch, tiêu biểu là tác phẩm "Die Wupper" (1909); tiểu thuyết tự truyện "Mein Herz" (1912); tập truyện ngắn "Der Prinz von Theben" (1914)....
Khi Thế chiến thứ hai diễn ra (1939-1945), Else Lasker-Schüler buộc phải chạy trốn khỏi quê hương dưới sự truy lùng của Đức Quốc xã. Năm 1933, Else Lasker-Schüler di cư đến Thụy Sĩ sau khi Đức Quốc xã lên nắm quyền ở Đức. Đến năm 1940, bà định cư tại Jerusalem.
Chiến tranh loạn lạc, cuộc sống tha hương vất vả, nghèo khổ cũng không giết được tình yêu dành cho thi ca của bà. Bà tiếp tục sáng tác và ra mắt bài thơ rất nổi tiếng của mình, được công chúng thế giới đón nhận rộng rãi, trong đó có bài thơ “Mein blaues Klavier” (Phím dương cầm buồn của tôi) được một tờ báo Thụy Sĩ đã xuất bản xuất bản năm 1937.
Đến với những áng thơ của Else Lasker-Schüler, người đọc như chìm đắm vào một thế giới mới với những hình ảnh lãng mạn, cùng khát khao mãnh liệt gợi nhớ về thời thơ ấu và cha mẹ pha chút hoài niệm, cô đơn. Hai cuộc hôn nhân sớm đổ vỡ, cuộc sống xa quê hương vì chiến tranh đã khiến thế giới của bà không chỉ hoài niệm mà còn rời xa thực tại. Có lẽ chỉ trong thơ bà mới tìm được chút niềm an ủi cho mình...
Nhờ những tác phẩm bằng tiếng Đức của bà được công chúng thế giới biết đến, góp phần phổ biến tiếng Đức, năm 1932 bà vinh dự nhận giải thưởng Kleist, được coi là danh hiệu văn học cao nhất của Đức vào thời điểm đó.
Nhà thơ Đức Gottfried Benn (1886 – 1956) ca ngợi nữ nhà thơ Else Lasker-Schüler là nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất Đức!
Jerusalem là thành phố chứng kiến những tháng ngày cuối cùng của nữ nhà thơ vĩ đại Else Lasker-Schüler. Bà mất ngày 22/1/1945 tại Jerusalem.