Hải âu lớn đã từng tồn tại ở Bắc Đại Tây dương

  •  
  • 1.062

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã khai quật khu sinh sản hoá thạch đầu tiên của chim hải âu lớn tại đảo Bermuda. Địa điểm này chứa nhiều xương của chúng song không có một cá thể nào sống tại đó ngày nay cũng như ở những nơi khác trên Bắc Đại Tây Dương.

Theo Storrs Olson thuộc Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia tại Washington DC, cách đây 400.000 năm, nước biển gia tăng tới hơn 20m trên mức hiện nay đã đẩy chim hải âu lớn ra khỏi vùng này. Ông nói: ''Chúng hẳn là vẫn ở đó nếu mực nước biển không tăng lên. Mực nước biển gia tăng trong tương lai do hiện tượng ấm hoá toàn cầu cũng có thể gây ra tác động tương tự đối với các loài chim và sinh vật sống ở ven bờ''.

Mọi loài chim từng ở Bermuda đều là hải âu lớn có đuôi ngắn (Phoebastria albatrus). Loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng cao này hiện còn sinh sống trên một vài hòn đảo ở ngoài khơi Nhật Bản. Những người sưu tập lông vũ đã làm cho chúng gần như tuyệt diệt cách đây một thế kỷ. Ở những nơi khác, chim hải âu lớn đang bị đe doạ bởi hoạt động đánh bắt cá.

Chim hải âu lớn sinh sản trên các đảo. Con người luôn thắc mắc liệu có một lãnh địa của loài này ở Bắc Đại Tây Dương hay không và nếu có thì nó ở đâu. Hiện họ đã tìm ra câu trả lời. Lãnh địa Bermuda bị chôn vùi nhiều mét dưới cát trong một cơn bão, bao gồm cả cá thể chim trưởng thành, trứng và chim con. Nó bị ngập nước vào khoảng thời gian dải băng Tây Nam Cực tan chảy, làm nước biển đột ngột gia tăng. Nước biển gia tăng có lẽ đã nhấn chìm các địa điểm sinh sản trên Bermuda cũng như nhiều đảo khác.

Cách đây khoảng 5 triệu năm, một loài hải âu lớn cũng đã tồn tại ở Bắc Đại Tây dương. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, sự hợp nhất của Bắc và Nam Mỹ cách đây khoảng 3 triệu năm đã tách biệt Thái Bình dương và Đại Tây dương. Sự kiện đó có lẽ đã làm thay đổi các điều kiện đại dương, làm cho loài hải âu lớn Đại Tây dương càng khó sống hơn. Hải âu lớn đuôi ngắn hiện sống ở Bắc Thái Bình dương. Thỉnh thoảng chúng bay lạc đường tới Anh từ Nam Bán cầu và hiện vẫn chưa rõ tại sao chúng chưa bao giờ trở lại sinh sống ở Bắc Đại Tây dương.

Theo Nature
  • 1.062