"Hạn hán chớp nhoáng" đang trở thành bình thường mới

  •  
  • 196

Các nhà khoa học cho biết “hạn hán chớp nhoáng” đang gia tăng trên toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm Trái đất nóng hơn và thay đổi mô hình lượng mưa trên khắp thế giới.

Hạn hán thường là hiện tượng khởi phát chậm, có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm do thiếu mưa.

Sông Gia Lăng, một nhánh của sông Dương Tử, cạn nước ở Trùng Khánh, Trung Quốc
Sông Gia Lăng, một nhánh của sông Dương Tử, cạn nước ở Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 18/8/2022. (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, một nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc dẫn đầu cho thấy đã có sự chuyển đổi toàn cầu từ hạn hán phát triển chậm sang hạn hán phát triển nhanh và có thể trở nên nghiêm trọng trong vài tuần, South China Morning Post đưa tin ngày 16/4.

Không giống như hạn hán phát triển chậm - vốn hình thành do lượng mưa giảm theo thời gian, hạn hán chớp nhoáng xảy ra khi lượng mưa thấp, cùng với các yếu tố khác như nhiệt độ cao, có thể nhanh chóng làm tăng tốc bốc hơi nước ra khỏi mặt đất và thảm thực vật.

Khái niệm “hạn hán chớp nhoáng” (flash drought) đã được đề xuất vào đầu những năm 2000 nhưng không nhận được nhiều chú ý cho đến khi một đợt hạn hán nghiêm trọng tấn công nước Mỹ vào mùa hè năm 2012, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hôm 13/4.

Trận hạn hán chớp nhoáng đó được coi là một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất ở Mỹ kể từ những năm 1930, dẫn đến thiệt hại kinh tế hơn 30 tỷ USD.

Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc đã phải hứng chịu hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng nhất trong 6 thập kỷ, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện, thực phẩm và hoạt động sản xuất.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng tần suất hạn hán chớp nhoáng ở miền Nam châu Phi và Trung Quốc. Nhưng nghiên cứu phát hiện ra rằng từ năm 1951 đến năm 2014, hạn hán trong khoảng thời gian 2 tuần đến 3 tháng “phát triển nhanh hơn và chuyển từ hạn hán chậm sang hạn hán chớp nhoáng ở quy mô toàn cầu”.

Theo nghiên cứu, hơn 74% khu vực toàn cầu - ngoại trừ Amazon và Tây Phi - đã chứng kiến sự gia tăng cả về tỷ lệ hạn hán chớp nhoáng và tốc độ khởi phát trong khoảng thời gian 64 năm.

Quá trình chuyển sang hạn hán chớp nhoáng đáng chú ý nhất ở Bắc và Đông Á, Australia, châu Âu, sa mạc Sahara và bờ biển phía tây của Nam Mỹ.

“Kết quả cho thấy quá trình chuyển đổi sang hạn hán chớp nhoáng đang diễn ra ổn định và nhanh chóng hơn trong tương lai nóng hơn”, nghiên cứu cho biết.

Justin Sheffield, đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học Southampton ở Anh, cho biết biến đổi khí hậu đã đẩy nhanh khởi phát hạn hán.

“Khi chúng ta hướng tới tương lai nóng hơn, hạn hán chớp nhoáng đang trở thành điều bình thường mới”, ông Sheffield nói.

Cập nhật: 18/04/2023 Zing
  • 196