Sự thật lịch sử ít ai biết về Lễ Tạ ơn đầu tiên

  •  
  • 104

Mỗi năm vào tháng 11, người Mỹ quây quần bên bàn ăn để mừng Lễ Tạ ơn. Đây là ngày lễ truyền thống kỷ niệm mối quan hệ hòa hợp giữa những người hành hương châu Âu và người Wampanoag vào thế kỷ 17.

Câu chuyện được kể thường mang sắc thái đơn giản, với hình ảnh người dân 2 nền văn hóa cùng nhau chia sẻ một bữa tiệc thu hoạch trong tinh thần đoàn kết và hợp tác. Tuy nhiên, lịch sử thật sự lại phức tạp và nhiều sắc thái hơn thế.

Năm 1620, khoảng 100 người hành hương rời nước Anh trên con tàu Mayflower, hướng đến miền đất mới ở Thuộc địa Virginia. Tuy nhiên, thời tiết xấu đã đẩy họ đến Cape Cod, nay thuộc bang Massachusetts, Mỹ. Đây vốn là quê hương của người Wampanoag, một bộ tộc đã sinh sống ở đây từ lâu đời.

Cuộc gặp gỡ của người Wampanoag với những người thực dân tại Plymouth
Một bức tranh khắc gỗ màu cho thấy cuộc gặp gỡ của người Wampanoag với những người thực dân tại Plymouth vào những năm 1620. (Nguồn: North Wind Picture Archives).

Tại vùng đất mới, những người hành hương lập nên Thuộc địa Plymouth và nhanh chóng nhận ra họ cần sự giúp đỡ từ người bản địa để sinh tồn. Một liên minh được hình thành giữa hai bên, nhưng không xuất phát từ thiện chí đơn thuần.

Người Wampanoag, sau khi bị tàn phá nặng nề bởi bệnh dịch do các chuyến thám hiểm châu Âu trước đó mang đến, phải đối mặt với nguy cơ bị các bộ lạc thù địch như người Narragansett tấn công. Họ tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ những người hành hương, những người sở hữu vũ khí hiện đại hơn như súng và công cụ kim loại.

Liên minh này, thay vì được xây dựng trên tình bạn, mang tính chiến lược rõ rệt. Cả hai bên đều có những lý do riêng để hợp tác trong bối cảnh đầy rẫy hiểm nguy của thời kỳ đó.

Mùa thu năm 1621, những người hành hương tổ chức một bữa tiệc mừng vụ thu hoạch đầu tiên. Ban đầu, người Wampanoag không được mời tham dự. Khi nghe thấy tiếng súng chào mừng của người Anh, họ nhầm tưởng thuộc địa đang bị tấn công. Tù trưởng Massasoit đã dẫn theo 90 chiến binh đến để trợ giúp, nhưng khi đến nơi, họ nhận ra đây chỉ là một buổi ăn mừng.

Thay vì rút lui, người Wampanoag quyết định tham gia, mang theo thực phẩm như hươu và các nguyên liệu bản địa, biến sự kiện này thành một bữa tiệc chung. Bữa ăn kéo dài vài ngày với các món như cá, động vật có vỏ, lươn, ngô, rau xanh và quả mọng dại.

Những món quen thuộc trên bàn tiệc Lễ Tạ ơn hiện đại, như khoai tây nghiền, bánh bí ngô hay nước sốt nam việt quất, chưa xuất hiện do nguyên liệu còn khan hiếm tại thuộc địa thời bấy giờ.

Bữa ăn năm 1621 không được xem là một sự kiện trọng đại vào thời điểm đó. Đối với cả người Anh lẫn người Wampanoag, các lễ hội mừng mùa màng không phải điều hiếm hoi.

Những ghi chép ít ỏi từ Thống đốc William Bradford và trong lá thư của người có tên Edward Winslow, là nguồn tài liệu chính giúp các nhà sử học ngày nay tái dựng lại phần nào câu chuyện.

Phải đến năm 1863, giữa bối cảnh nội chiến chia cắt đất nước, Tổng thống Abraham Lincoln mới chính thức tuyên bố Lễ Tạ ơn là một ngày lễ quốc gia. Ông kêu gọi sự đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân, biến ngày lễ này thành biểu tượng của sự thống nhất và hy vọng.

Từ đó, Lễ Tạ ơn trở thành một phần quan trọng trong văn hóa Mỹ, được tổ chức đều đặn vào tháng 11 hàng năm.

Cập nhật: 27/11/2024 SKĐS
  • 104