Hệ Mặt trời có thể từng "cướp" 19 tiểu hành tinh

  •  
  • 828

Loạt vật thể có quỹ đạo khác thường được cho là do hệ Mặt Trời kéo đến từ hệ sao khác cách đây hàng tỷ năm. 

Các nhà khoa học nghiên cứu 19 vật thể nằm lệch so với mặt phẳng quỹ đạo của hệ Mặt TrờiIFL Science hôm 23/4 đưa tin. Trong đó, 17 vật thể thuộc nhóm Centaur, di chuyển giữa sao Mộc và sao Thổ. Hai thành viên còn lại di chuyển ngoài quỹ đạo sao Hải Vương.

Các vật thể liên sao mang lại giá trị khoa học lớn.
Các vật thể liên sao mang lại giá trị khoa học lớn. (Ảnh: IFL Science).

Nhóm chuyên gia phát hiện quỹ đạo bất thường của các vật thể khi chạy mô hình máy tính để tìm hiểu về hệ Mặt Trời vào thời kỳ sơ khai. Điều này cho thấy chúng không được tạo ra cùng với các hành tinh, sao chổi và tiểu hành tinh khác. Thay vào đó, có khả năng chúng bị kéo vào khi hệ Mặt Trời vẫn đang hình thành trong đám mây khí bụi vũ trụ hơn 4 tỷ năm trước. Để điều này xảy ra, Mặt Trời phải nằm gần các "hàng xóm" của mình.

"Thời xa xưa, với khoảng cách gần, các ngôi sao cảm nhận lực hấp dẫn của nhau mạnh hơn nhiều so với ngày nay. Khi đó, tiểu hành tinh có thể bị kéo từ hệ sao này sang hệ sao khác", tác giả nghiên cứu Fathi Namouni, tiến sĩ tại Đài quan sát Cote d'Azur, cho biết.

Nếu 19 vật thể hình thành quanh một ngôi sao khác, chúng sẽ có giá trị khoa học rất lớn. "Việc phát hiện loạt vật thể liên sao là bước tiến quan trọng để tìm hiểu những điểm tương đồng hoặc khác biệt về vật lý và hóa học giữa tiểu hành tinh của hệ Mặt Trời và tiểu hành tinh của hệ sao khác", đồng tác giả Maria Helena Morais, nhà thiên văn tại Đại học Bang Sao Paulo, nói.

"Nhóm vật thể này mang đến thông tin về chòm sao nơi Mặt Trời sinh ra, cho phép giới khoa học hiểu thêm về quá trình "cướp" tiểu hành tinh và vai trò của vật chất liên sao trong việc đa dạng hóa và định hình sự phát triển của hệ Mặt Trời", Morais bổ sung.

Cập nhật: 24/04/2020 Theo VnExpress
  • 828