Như đỉnh núi tuyết bị lở một mảnh, kéo theo cả vách núi đột ngột vỡ oà, các bé mới biết đi cũng đột ngột bật ra hàng loạt từ mới sau thời gian dài tích luỹ, trong hiệu ứng được gọi là "quả bóng tuyết". Trong thời kỳ này, dường như vốn từ của trẻ bùng nổ chỉ sau một đêm.
Một nghiên cứu mới đã giải thích rằng không có gì là thần kỳ ở đây cả: các em bé bắt đầu liến thoắng sau khi chúng làm chủ được đủ số từ dễ để vượt qua những từ khó hơn. Về cơ bản đó chính là hiệu ứng quả bóng tuyết.
Giải thích này, được công bố hôm nay trên tạp chí Science, đơn giản hơn nhiều so với suy đoán của các nhà khoa học rằng một vài cơ chế đặc biệt của não cần phải tham gia để kích hoạt quả bom từ ngữ này.
Giáo sư tâm lý Bob McMurray từ Đại học Iowa, Mỹ cho rằng điều khiến các bậc cha mẹ kinh ngạc thực tế là thành quả của rất nhiều lần tích luỹ âm thầm từng ít một khi chúng bắt đầu hành trình để học được 60.000 từ khi đến tuổi trưởng thành.
(Ảnh: Allposters)
Nếu McMurray đúng, phát hiện này sẽ có ích cho các bậc cha mẹ đang bị "tấn công" bởi những lời quảng cáo về công nghệ có thể nâng cao ngôn ngữ của trẻ. Ông cho rằng chìa khoá ở đây chỉ đơn giản là nói chuyện và đọc sách cho trẻ nghe thật nhiều.
"Trẻ đang hấp thu mọi thứ", ông nói. "Bạn có thể sử dụng từ 'may mắn' cho trẻ nghe. Và bé sẽ phải tiếp xúc hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần mới hiểu được "may mắn" là gì. Vậy tại sao không bắt đầu điều đó từ sớm?".
T. An