Hệ thống camera ngăn cánh turbine gió đập trúng chim

  •  
  • 308

Các tháp camera thông minh của công ty IdentiFlight phát hiện chim từ xa và dừng cánh turbine đang quay để tránh xảy ra va chạm.

Điện gió là một trong những nguồn năng lượng sạch tốt nhất. Tuy nhiên, các turbine gió khổng lồ có thể vô tình giết chết các loài chim bản địa trong lúc hoạt động. IdentiFlight, công ty có trụ sở tại Mỹ, phát triển hệ thống camera thông minh mới nhằm giảm tác hại của turbine gió đến hệ sinh thái, IFL Science hôm 1/2 đưa tin.

Turbine gió mang lại năng lượng sạch nhưng có thể gây nguy hiểm cho chim.
Turbine gió mang lại năng lượng sạch nhưng có thể gây nguy hiểm cho chim. (Ảnh: Donald M. Jones/Minden).

Hệ thống camera phát hiện chim bay đến, xác định xem chúng có thuộc nhóm nguy cấp không và dừng cánh turbine đang quay lại trước khi xảy ra va chạm. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Journal of Applied Ecology giúp chứng minh hiệu quả của hệ thống này.

Nghiên cứu được thực hiện tại bang Wyoming, Mỹ. Nhóm chuyên gia theo dõi hai địa điểm khác nhau với tổng cộng 176 turbine gió. Họ lắp đặt 47 thiết bị chặn turbine gió tự động ở địa điểm thứ nhất để kiểm soát toàn bộ nơi này. Trong thời gian nghiên cứu, họ thường xuyên đi kiểm tra để phát hiện đại bàng chết, sau đó so sánh với số xác chim trước khi lắp camera.

Kết quả, so với trước đây, số lượng chim chết tăng ở địa điểm thứ hai nhưng giảm đáng kể ở địa điểm thứ nhất. Với hệ thống camera thông minh, số đại bàng chết ở địa điểm thứ nhất giảm tới hơn 62%.

"Chim va chạm với cánh turbine từ lâu đã là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành điện gió. Công nghệ thăm dò trên không của IdentiFlight được phát triển để giải quyết vấn đề này, giúp chim hoang dã và điện gió cùng tồn tại trong hòa bình. Giờ chúng tôi đã có bằng chứng thuyết phục cho thấy hệ thống camera của IdentiFlight có thể giúp giảm va chạm cho các dự án điện gió hiện tại và cả tương lai", Ben Quinn, phó chủ tịch IdentiFlight, chia sẻ.

Hệ thống gồm các tháp camera có thể kiểm soát nhiều turbine gió xung quanh, đồng thời phát hiện những con chim thuộc nhóm cần bảo tồn. Sử dụng cảm biến quang học, tháp nhận diện chim bay đến rồi xác định tốc độ và đường bay của chúng nhờ trí tuệ nhân tạo, từ đó điều chỉnh chuyển động của turbine. IdentiFlight khẳng định hệ thống có thể phát hiện động vật hoang dã cần bảo vệ từ cách xa một km.

IdentiFlight hy vọng hệ thống này và các giải pháp tương tự có thể được triển khai trên quy mô lớn để bảo vệ chim hoang dã tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều công ty điện gió sẽ gặp khó khăn khi hệ thống của IdentiFlight đòi hỏi tới 150.000 USD phí lắp đặt và 8.000 USD phí bảo trì hàng năm.

Cập nhật: 03/02/2021 Theo VnExpress
  • 308