Khám phá quần đảo “gia vị” ở indonesia

  •  
  • 352

Tại vùng biển Banda, cách Jakarta, thủ đô của Indonesia khoảng 2.500km về phía Đông là quần đảo Banda. Trong hàng nghìn năm, nhóm 10 hòn đảo này là nguồn cung cấp hạt nhục đậu khấu duy nhất trên thế giới.

Người Trung Hoa và người châu Âu gọi là “quần đảo gia vị”. Giờ đây, Banda là địa điểm du lịch nổi tiếng của “xứ vạn đảo”.

Cây gia vị quý hơn vàng

Trước khi người châu Âu đến, Banda được cai trị bởi các quý tộc gọi là orang kaya, họ thường giao thương với người Ấn Độ và người Ả Rập. Các thương nhân này sau đó bán loại gia vị mua ở đây cho người châu Âu với giá cắt cổ. Trong thời điểm đó, hạt nhục đậu khấu có giá trị tính theo trọng lượng còn hơn cả vàng, vì được cho là có tác dụng chữa trị loại bệnh dịch đáng sợ thường xuyên gây hại cho dân cư trên khắp châu Âu. Những người Ả Rập khôn ngoan đã giữ bí mật nơi phát xuất loại gia vị quý giá này, bảo đảm an toàn cho các hòn đảo và duy trì giá cả cao cho nhục đậu khấu. Đến năm 1511, khi vua Bồ Đào Nha, Afonso de Albuquerque, chinh phục Banda và các đảo lân cận, bí mật của quần đảo bao lâu nay mới được phơi bày. Từ đó, Banda nhanh chóng trở thành trung tâm buôn bán gia vị của các thương nhân trên thế giới.


Quần đảo Banda xinh đẹp.

Tuy thế, người Bồ Đào Nha dù cố gắng hết sức nhưng vẫn không có được vị thế vững chắc trên quần đảo. Dân bản địa Bandan thù địch với mọi thứ ngoại lai, ngoại trừ thương mại công bằng, và vào những năm cuối của thế kỷ 16, tất cả những gì người Bồ Đào Nha có thể làm là đến các hòn đảo này vài năm một lần, rồi trở về với những con tàu chở đầy nhục đậu khấu và đinh hương. Có lần, một thương nhân người Bồ Đào Nha tên là Garcia Henriques tìm cách xây dựng một pháo đài ở Banda Neira, nhưng những người dân trên đảo đã vũ trang tấn công người của ông ta. Nhận thấy chiến đấu với dân đảo vừa tốn kém, vừa mệt nhọc, người Bồ Đào Nha bắt đầu tránh Banda, thay vào đó họ tìm mua hạt nhục đậu khấu của quần đảo này từ các thương nhân ở Malacca.

Bị xâu xé bởi các cường quốc

Người Hà Lan theo chân người Bồ Đào Nha đến Banda, nhưng không giống như những người anh em phương Nam của họ, các thương nhân “xứ hoa Tulip” ít hòa nhã hơn. Họ dùng sức mạnh để độc quyền buôn bán gia vị, ra lệnh cho người Banda chỉ bán sản phẩm cho họ. Tất nhiên, người Banda không chấp nhận. Họ muốn thương mại tự do để có thể làm ăn với các thương gia ở nhiều nước châu Âu khác nhau, bán sản phẩm cho ai trả giá cao nhất. Cuộc đàm phán giữa người Banda và người Hà Lan rất gay go và có thời điểm, người Banda lừa một đô đốc người Hà Lan vào ổ phục kích và giết chết ông ta cùng 46 người khác. Đáp trả, lực lượng vũ trang Hà Lan đã tấn công, cướp phá một số ngôi làng và phá hủy tàu thuyền của dân đảo.

Sự việc diễn ra kế tiếp theo chiều hướng có lợi cho người Hà Lan. Trong hiệp ước hòa bình sau đó, người Banda công nhận sự quản lý và độc quyền của Hà Lan đối với việc buôn bán gia vị. Cùng năm đó, người Hà Lan dựng pháo đài Nassau trên đảo Banda Neira để kiểm soát việc buôn bán nhục đậu khấu.

Bất chấp sự kiện được gọi là hòa bình, người Banda phẫn nộ với người Hà Lan và cố tình vi phạm hiệp ước, bằng cách bán hàng cho các thương nhân người Anh, Malaysia và người Indonesia. Sự thù địch của người dân trên đảo đối với lực lượng chiếm đóng đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ Hà Lan - Banda. Và căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm, khi người Hà Lan tiếp quản bằng bạo lực toàn bộ quần đảo Banda. Họ đã tàn sát dân làng, khiến số dân bản địa từ 15.000 xuống chỉ còn 1.000 người sống sót. Dân số đảo giảm nhiều đến mức người Hà Lan phải đưa thêm nhân công từ Ấn Độ và Trung Quốc đến làm việc trong các đồn điền.

Nhục đầu khấu
Nhục đầu khấu.

Không lâu sau, người Anh cũng lao vào tranh giành lĩnh vực thương mại béo bở này. Trước khi người Hà Lan nắm toàn quyền kiểm soát quần đảo, người Anh đã có hai chốt giao thương trên các đảo Ai và Run nhỏ bé, cách quần đảo Banda khoảng 10km và 20km. Năm 1615, người Anh bị người Hà Lan trục xuất khỏi đảo Ai nhưng họ vẫn tiếp tục giữ đảo Run. Cho đến năm 1667, họ đổi Run lấy hòn đảo New Amsterdam trên bờ biển phía Đông của Bắc Mỹ. Đó không phải là một thỏa thuận tồi, bởi vì 350 năm sau, New Amsterdam đã trở thành trung tâm thương mại toàn cầu, một hòn đảo mà ngày nay chúng ta gọi là Manhattan.

Trong Chiến tranh Napoleon, khi Hà Lan rơi vào tay Pháp, người Anh đã chớp thời cơ và chiếm Banda. Trước khi người Hà Lan giành lại quyền kiểm soát quần đảo, người Anh đã nhổ hàng trăm cây giống nhục đậu khấu có giá trị và vận chuyển chúng đến các thuộc địa của họ ở Ceylon (Sri Lanka ngày nay), Singapore và Ấn Độ, đưa đến việc phá vỡ thế độc quyền của Hà Lan về gia vị, đồng thời vị thế của các hòn đảo không còn được như xưa.

Đến nay, nhục đậu khấu vẫn là một nguồn thu nhập chính của người dân ở Banda, nhưng sự thịnh vượng về kinh tế của quần đảo không còn nữa. Hòn đảo này hiện là một vùng nước đọng nhiệt đới yên tĩnh với dân số chưa đến 20.000 người. Phần đông người dân kinh doanh nhục đậu khấu, đánh bắt cá ở vùng ven biển hoang sơ, số còn lại làm du lịch.

Quần đảo Banda hiện được đánh giá cao về môi trường biển, bao gồm rạn san hô có khả năng phục hồi và tính đa dạng sinh học cao. Người ta tin rằng, biển xung quanh Banda đóng vai trò như một vùng đệm bảo vệ quần đảo khỏi nhiệt độ xích đạo khắc nghiệt và tác động của biến đổi khí hậu.

Nhục đậu khấu còn gọi là ngọc khấu là một loài thực vật có hoa, được mô tả khoa học đầu tiên năm 1774. Đây là loại cây to, cao từ 8 - 10m, xanh tốt quanh năm, cho quả trong vòng 60 – 70 năm. Mỗi năm, người ta thu hoạch hai lần vào tháng 5- 6 và 11- 12. Nhục đậu khấu là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền.
Cập nhật: 02/02/2021 Theo GDTĐ
  • 352