Các kỹ sư của công ty Ocean Cleanup đang nỗ lực khắc phục những nhược điểm của hệ thống dọn rác đại dương lớn nhất thế giới phát sinh sau một thời gian hoạt động thực tế ngoài môi trường.
Có thể nói, chưa hệ thống xử lý rác nào nhận được nhiều sự chú ý như Ocean Cleanup khi truyền thông theo sát từ giai đoạn lên ý tưởng đến thiết kế, thực nghiệm và giờ đây là áp dụng thực tế.
Năm 2013, Boyan Slat, người Hà Lan, thành lập tổ chức phi chính phủ Ocean Cleanup khi mới 19 tuổi với mục tiêu làm sạch đại dương trên thế giới khỏi rác thải nhựa.
Từ đó, tổ chức của Slat bắt tay vào nghiên cứu và cho ra hệ thống phao nổi khổng lồ tên gọi System 001 hay Wilson.
Phao nổi này hình chữ U, dài 600m, được gắn thêm một lưới quay nằm dưới mặt nước sâu đến 3m. Phao sẽ lợi dụng hệ thống dòng chảy và năng lượng từ các tắm pin mặt trời giúp hệ thống di chuyển từ đó thu gom rác thải trôi nổi ở các đại dương.
Bức ảnh rác thải bị Ocean Cleanup thu gom được Slat đăng trên trang Twitter cá nhân - (Ảnh: Twitter).
Trong 5 năm nghiên cứu, Slat cùng hơn 70 nhà khoa học và kỹ sư đã chế tạo và thử nghiệm hơn 273 mô hình mới có thể chọn được một chiếc ưng ý.
Tổng kinh phí thực hiện dự án này cho đến nay ước tính lên đến 20 triệu USD và chắc hẳn sẽ còn gia tăng cho đến khi Wilson có thể hoạt động hoàn hảo.
Ocean Cleanup được hi vọng sẽ thu gom được 50 tấn rác vào tháng 4-2019 và dọn sạch 90% rác biển của thế giới tới năm 2040.
Slat là người sáng lập nên dự án nổi tiếng Ocean Cleanup khi mới 19 tuổi - (Ảnh: Twitter).
Tháng 10-2018, Ocean Cleanup bắt đầu cho vận hành Wilson ở vùng biển giữa Hawaii và California (Mỹ), nơi tồn tại đảo rác Thái Bình Dương khổng lồ - một vòng xoáy rác thải ở trung tâm bắc Thái Bình Dương và được xem là "cứ địa" lớn nhất của rác thải nhựa đại dương.
Tuy nhiên sau hơn 2 tháng hoạt động, dự án chưa cho thấy hiệu quả như kỳ vọng.
Trả lời phỏng vấn trang The Guardian, Slat cho biết Wilson di chuyển dựa vào dòng biển và năng lượng mặt trời nên tốc độ khá chậm, khiến không thể giữ được rác trong phao chữ U.
Điều này làm cho rác thải đã vào phao nhưng sau đó lại "bơi" ra ngoài nhiều hơn so với ước tính thất thoát ban đầu.
Slat cùng các kỹ sư đang nghiên cứu nhằm gia tăng chiều dài cũng như chiều cao phần nổi của Wilson, từ đó có thể đón được nhiều gió và sóng giúp di chuyển nhanh hơn.
Tấm lưới cá thứ 3 được Ocean Cleanup "tóm" được trong 2 tháng thử nghiệm - (Ảnh: Twitter).
Trên website của mình, Ocean Cleanup giải thích: "Wilson chịu tác động từ dòng biển nhiều hơn tính toán của chúng tôi. Chẳng hạn, dòng biển đã gây ra tình trạng ứ đọng một lượng lớn rác thải kích thước nhỏ bên ngoài vòng chữ U thay vì vào bên trong".
Tuy nhiên, Ocean Cleanup cũng tự động viên rằng chỉ có cách đưa thiết bị ra ngoài môi trường mới thấy được những mặt hạn chế thực tiễn của nó.
Nhìn chung Wilson cũng có nhiều điểm đáng khen như có thể tích tụ rác thải, có thể di chuyển theo hướng gió và nhất là có thể hòa hợp với các sinh vật sống ở đại dương. "Về mặt công nghệ, Wilson đã là một thành công" - một thông báo của Ocean Cleanup cho biết.
Wilson sẽ được cải thiện tốc độ để tăng hiệu quả thu gom rác - (Ảnh: Ocean Cleanup).
Hiện tại, nhóm của Slat dự định sẽ thực hiện thêm những cuộc thử nghiệm khác nhằm tìm thêm thông tin để xác định gốc rễ vấn đề và có được lời giải hiệu quả nhất cho dự án triệu đô của mình.