Giá máy tính xách tay ngày càng dễ với, nhưng bệnh của máy tính xách tay thì không dễ "chữa" chút nào. Có những bệnh mà chi phí sửa chữa và mua linh kiện còn cao hơn mua máy mới cùng đời
Nhiều người thừa nhận là có một quy luật về thời gian "phát bệnh" của máy tính xách tay. Theo nhiều người sử dụng máy tính xách tay, cứ hết hạn bảo hành (thông thường máy tính xách tay được bảo hành 1 năm, trong đó pin chỉ được bảo hành 6 tháng) là nhiều máy bị trục trặc mà chủ yếu là phần cứng.
4 bệnh ngốn tiền
Về những bệnh hay gặp của máy tính xách tay sau thời gian bảo hành, kỹ sư Đinh Tiến Tường, trưởng phòng kỹ thuật của iCARE cho biết, mỗi tháng, chỉ riêng iCARE nhận sửa 300 chiếc máy tính xách tay theo hình thức sửa dịch vụ. Qua nhật ký công tác của iCARE, lỗi thông thường của những chiếc máy tính xách tay được đem đến đây là lỗi ở 4 linh kiện chính: mainboard, ổ cứng, RAM và màn hình LCD.
Với những hư hỏng nói trên thì cách sửa chữa hầu hết là phải thay mới. Trong thực tế, ở những chiếc máy tính đã hết hạn bảo hành, với bốn loại linh kiện trên của máy tính xách tay, việc thay mới thật sự mới theo đúng nghĩa chỉ có thể là hai linh kiện là ổ cứng và RAM, còn mainboard và màn hình LCD được tận dụng từ những xác máy cũ. Lý do là khó tìm linh kiện tương thích hoặc nếu có thì giá cũng rất cao.
Kỹ sư Tường cho biết thêm, tuy ổ cứng và RAM có nhiều hàng mới nhưng vì nhiều dòng máy cũ cấu hình thấp nên việc tìm kiếm linh kiện tương thích không phải là chuyện dễ. Nếu có tìm được thì giá thành cũng cao hơn giá trị thật của nó. Không chỉ máy cũ mà với máy mới cũng lắm nhiêu khê trong việc tìm kiếm nguồn linh kiện thay thế.
Anh Quang Vinh, nhân viên của trung tâm bảo hành FPT cho biết: "Có nhiều model trung tâm hết hàng dự trữ nên phải nhập từ nước ngoài với thời hạn từ 1 – 2 tháng. Cũng không ít model dù là hàng mới nhưng vì hạn chế ở một số vùng sử dụng nên tìm nguồn linh kiện không phải dễ. Nhiều khi hãng cũng không còn linh kiện dự trữ, đành phải tìm nguồn trôi nổi bên ngoài". Theo báo giá tại iCARE, chi phí sửa chữa phần cứng thấp nhất là 20 USD, còn thay thế màn hình LCD hoặc mainboard phải tốn cỡ 500 USD.
Qua tìm hiểu thông tin từ các trung tâm sửa chữa máy tính xách tay, hiện các model của các hãng Toshiba, Acer, Compaq và IBM dễ tìm kiếm linh kiện thay thế vì những thương hiệu trên xuất hiện nhiều trên thị trường, được nhiều người sử dụng. Còn những thương hiệu như NEC, Sony Vaio... do ít người sử dụng nên tìm được linh kiện tương thích phải "sôi nước mắt"!
Chọn "mặt" sửa máy
Anh P., đã phải ngậm ngùi bán chiếc máy tính với giá chỉ bằng 1/3 giá mà anh mua trước đó 1 tháng chỉ vì chiếc máy đã từ "trâu què thành trâu chết" khi được anh đem tới một cửa hàng nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) để sửa bộ nguồn. Không hiểu thợ đấu nối thế nào mà sau khi sửa xong, vừa cắm nguồn vào thì cháy mainboard!
Anh V., nhân viên bảo hành của một trung tâm bảo hành đến bây giờ vẫn không quên kỷ niệm bị trừ trọn tháng lương để đền cho khách hàng chỉ vì không kiểm tra máy của khách hàng mà trước đó, chính vị khách này đã đem máy đến một cửa hàng gần nhà để sửa và chiếc máy đã bị mất CPU trước khi khách hàng giao cho anh.
Theo kinh nghiệm của nhiều người thì khi máy tính xách tay bị hư hỏng cần đến những nơi sửa chữa máy tính lớn có nhiều chuyên viên kỹ thuật giàu kinh nghiệm vì thường xuyên tiếp xúc với nhiều nhãn hiệu, nhiều đời máy. Một yếu tố khá quan trọng là những nơi này cũng sở hữu nhiều linh kiện để dễ dàng thay thế theo yêu cầu của khách hàng.
Điều cần chú ý, khi đem máy đến bất kỳ địa chỉ nào, cần yêu cầu nhân viên mở máy kiểm tra cũng như xác định rõ linh kiện cần thay thế cũng như giá cả kèm theo để tránh những rắc rối về sau.