Hãy quên đi chuyện hiến nội tạng, giờ đây bạn có thể tặng giọng nói của mình cho những người mất khả năng phát âm vì bệnh tật.
Giọng nói của nhà vật lý học người Anh Stephen Hawking là một trong những âm thanh dễ nhận ra nhất trên thế giới, dù trên thực tế ông không thể trực tiếp thốt ra lời do mắc phải hội chứng khóa trong (cơ thể bị liệt hoàn toàn trừ cơ mắt). Tuy nhiên, hiện có hàng triệu người không may mắn như ông Hawking. Không thể nói được, họ phải dựa vào giọng nói được máy tính hóa, vốn không có nhiều lựa chọn và do đó mất đi tính nhận dạng.
Mới đây, một tổ chức tên VocaliD đang khuyến khích mọi người hiến giọng để có thể tạo ra những giọng nói “độc nhất vô nhị như trường hợp dấu vân tay”, phù hợp cho các cá nhân đang bị đẩy vào tình trạng bị quên lãng. Trong khi chương trình này vẫn còn ở giai đoạn đầu và các chuyên gia đang hoàn thiện quá trình thu âm, họ hy vọng sẽ sử dụng một chương trình trên web hoặc ứng dụng smartphone để mọi người có thể ghi âm giọng nói và gửi đến chương trình. Để xây dựng các giọng nói theo ý muốn cá nhân, các chuyên gia VocaliD, trụ sở tại Delaware và Boston (Mỹ), truy xuất bất kỳ âm thanh nào mà một người có vấn đề về phát âm có thể tạo ra, sau đó làm cho phù hợp với giọng nhân tạo đã được trộn một phần từ giọng của người hiến.
Stephen Hawking là một trong số ít người nói được dù không thể phát ra âm thanh trên thực tế - (Ảnh: Getty)
Những giọng nói được hiến sẽ được lựa chọn để phù hợp với người nhận, tùy theo độ tuổi, thể trọng và giới tính. Mục tiêu cuối cùng là làm cho giọng nhân tạo phát ra từ máy tính mang đậm chất riêng của người nhận, nhưng lại rõ ràng như giọng của người hiến. Ý tưởng đơn giản này được đánh giá có thể tạo ra tác động mạnh mẽ đối với cuộc sống của những người phải phụ thuộc vào giọng nói máy tính để biểu lộ ý muốn của bản thân. VocaliD ước tính phải có hàng chục triệu người trên thế giới đang lâm vào tình trạng trên, và chỉ tính riêng tại Mỹ đã có khoảng 2,5 triệu trường hợp như vậy. Trong khi đó, chỉ có vài lựa chọn giọng nói kỹ thuật số, đồng nghĩa hàng triệu người phải chia sẻ một giọng, làm họ mất đi tính cách riêng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi người đều có một nguồn tạo âm thanh đặc trưng, phát ra từ thanh quản, phản ánh giọng nói đặc biệt của từng người. Nguồn âm thanh đó được đẩy xuyên suốt phần còn lại của bộ phận tạo âm thanh, thay đổi hình dạng để tạo ra các phụ âm và nguyên âm. Trong khi một số người không thể thao tác được bộ phận lọc âm do có vấn đề ở dây thần kinh vận động, nhiều người vẫn duy trì được phần nào khả năng kiểm soát nguồn phát âm. Đó là trường hợp của những người bị hội chứng như Parkinson, và dự án của VocaliD có thể hỗ trợ để họ một lần nữa lấy lại giọng nói của mình, kết hợp giọng thật và từ người hiến tặng.
Để làm được điều này, các chuyên gia sử dụng vài ngàn câu do người hiến tự lưu lại, tương tự cách các kỹ sư Apple tạo ra giọng của trợ lý ảo Siri và các công nghệ nhận dạng giọng nói khác. Quá trình thu âm mất khoảng 2 - 3 giờ, người hiến lặp lại những câu ngắn mà khi tổng hợp lại sẽ bao gồm mọi tổ hợp âm thanh trong ngôn ngữ tiếng Anh. Dựa trên bản thu âm, các chuyên gia lấy phần mềm trộn giọng để tạo ra các “đơn vị” phát âm, như nguyên âm và phụ âm. Khi hoàn tất, bệnh nhân có thể dùng giọng nhân tạo để nói bất cứ câu nào theo ý muốn.