Sáng 22/11, tại TP.Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo khoa học chủ đề “Khai quật khảo cổ và phương án bảo tồn đối với di tích Phong Lệ”.
Vào tháng 4/2011, từ sự phát hiện tình cờ của người dân về dấu vết một nền móng tháp Chăm, các cơ quan chuyên môn Đà Nẵng phối hợp với cán bộ chuyên môn của Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khai quật khảo cổ khẩn cấp 200m2 tại Phong Lệ, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng.
Một trong số 30 hiện vật mà các nhà khảo cổ đã
phát hiện tại nền móng tháp Chăm ở Phong Lệ
Sau gần hai tháng khai quật, các nhà khảo cổ đã sưu tầm được 30 hiện vật tương đối nguyên vẹn và hàng trăm viên gạch, mảnh ngói, gốm và đá có nguồn gốc Chămpa. Những nền móng Chăm đã phát lộ cho thấy đây là khu vực tập trung một số đền tháp lớn, trùng khớp với các ghi chép trong lịch sử của các học giả Pháp đầu thế kỉ XX.
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều nhận định: Các hiện vật khai quật được từ tháp Chăm Phong Lệ có niên đại hơn 1.000 năm. Đặc biệt, các hiện vật khai quật được từ tháp Phong Lệ đều thể hiện kỹ thuật xây cất, chạm khắc trên gạch theo truyền thống kỹ thuật của người Chăm - pa; trong đó những tác phẩm điêu khắc đá mang tính kỹ thuật, đề tài nội dung tôn giáo truyền thống.
Với phong cách thể hiện vừa mang tính truyền thống, vừa manh nha dấu hiệu đột phá của một phong cách nghệ thuật mới, tháp Chăm Phong Lệ có những đóng góp sáng giá vào việc tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc tháp và nghệ thuật điêu khắc đá Chăm - pa trong tiến trình phát triển của nền văn hóa này trên dải đất miền Trung.