Hiếu chiến cũng tạo ra khoái cảm

  •  
  • 501

By LEE DYE

Nghiên cứu cho thấy bộ não của chúng ta cũng thích một chút cãi vã, vì thế không có gì phải ngạc nhiên khi trên thế giới có quá nhiều bạo lực. Các nhà khoa học đã chứng minh được tính hiếu chiến cũng tạo ra khoái cảm cho bộ não giống như tình dục, thức ăn hay thuốc phiện.

Các nhà nghiên cứu thuộc đại học Vanderbilt tại Nashville đã phát hiện đường khoái cảm trên não cũng đáp lại những cuộc gây hấn và giải phóng ra chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Chất này đồng thời cũng được sản xuất dưới tác động của rất nhiều tác nhân kích thích khác. Mặc dù nghiên cứu cơ bản được thực hiện với chuột thí nghiệm, nhưng các nhà khoa học tin rằng phát hiện của họ cũng đúng với cả động vật có vú, trong đó có con người.

Craig Kennedy, giáo sư ngành giáo dục đặc biệt và nhi khoa tại Vanderbilt và là đồng tác giả của nghiên cứu phát hành số ra ngày 14/1/2008 trên tờ Psychopharmacology (tập san Dược khoa tâm lý), nói rằng: “Giả sử tôi là một con chuột thí nghiệm được tiêm cocain, đường khoái cảm của tôi sẽ bị kích thích. Còn nếu tôi là một con người cũng được tiêm cocain thì vẫn đường khoái cảm đấy phát sáng”. Hiện Kennedy và đồng nghiệp Maria Couppis đã chứng minh được đường khoái cảm nói trên cũng hoạt động khi có cuộc chiến xảy ra.

Hai nhà khoa học đã tìm ra một phương pháp mới nhằm chứng minh giả thuyết sự gây hấn tự nuôi dưỡng nó nhờ kích thích hệ thống đường khoái cảm.

Các nhà nghiên cứu thuộc đai học Vanderbilt tại Nashville đã chứng minh được tính hiếu chiến cũng tạo ra khoái cảm cho bộ não giống như tình dục, thức ăn hay thuốc phiện. (Ảnh: ABC News)

Họ đã tiến hành nghiên cứu với đôi chuột thí nghiệm, một đực một cái được nhốt chung một lồng (tạm gọi là chuột nhà). Thêm vào đó có một số con chuột đực khác được nhốt trong một cái lồng khác. Con cái bị tách ra khỏi cái lồng “chuột nhà”, thay vào đó là một con chuột đực từ lồng kia. Ngay sau đó một trận chiến căng thẳng diễn ra giữa hai con đực với hàng loạt những hành động cắn, đánh và đập đuôi.

Sau vài phút “giao chiến”, kẻ không mời mà đến bị đưa ra ngoài. Và sau đó mới là phần thú vị. Con chuột đực trong lồng “chuột nhà” đã được dạy cách hích mũi vào một nút bấm để thể hiện rằng nó muốn giao chiến với một kẻ xâm lấn nữa. Và kẻ xâm lấn trở lại mở màn cho một trận chiến nữa. Cứ tiếp tục như thế đến buổi tối.

Nhưng chỉ thế thôi thì chưa chứng minh được gì cả vì chuột thỉnh thoảng vẫn thích “hành động một chút”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã đưa một ống nhỏ vào một phần bộ não của con chuột nơi tìm thấy đường khoái cảm. Cái ống giúp họ bơm vào một loại thuốc ức chế dopamine trên phần não đó.

Kết quả thật hiển nhiên và bất cứ ai đứng gần cái lồng cũng có thể thấy. Con chuột nhà đã bị lấy đi dopamine cũng như hứng thú từ vụ gây hấn không còn hứng thú đánh nhau nữa. Nó đi xung quanh cái lồng, hích mũi vào nhiều nơi vốn là thói quen của nó, trừ cái nút bấm cho phép kẻ xâm lấn trở lại. Kennedy nói: “Nó toàn hoàn không hề có động cơ để làm điều đó”. Đường khoá cảm liên quan đến sự gây hấn đã bị tiêu trừ.

Theo Kennedy, điều đó có nghĩa là con chuột nhà đã nhận được một số phản hồi tích cực từ vụ giao chiến, nhưng khi dopamine bị ức chế, sự kích động cũng biến mất nên nó không hề muốn đánh nhau thêm nữa. Nhưng những gì đúng với chuột không phải lúc nào cũng đúng với con người. Tuy vậy cũng có những tương đồng đáng kể về giải phẫu giữa não chuột và não người.

Kennedy cho biết: “Đã có rất nhiều nghiên cứu về thuốc phiện và các tác nhân gây khoái cảm khác đã chứng minh người và chuột đều có cùng một vùng não tham gia vào quá trình này”.

Cần phải tiến hành thêm nhiều thí nghiệm, bao gồm cả thí nghiệm với con người để chứng minh nghiên cứu của các nhà khoa học tại Vanderbilt đúng với con người. Nhưng cũng có lý do để chúng ta tin rằng con người không phải cái gì cũng khác biệt với loài khác.

Gần như tất cả mọi loài vật đều có bản tính hung hăng, đặc biệt là con đực. Đây dường như là một sản phẩm tiến hoá quan trọng nhằm tồn tại. Kennedy nói: “Dù đối với bất cứ loài nào, hung hăng cũng là một phần trong hành vi bản năng. Nó xảy ra với những trường hợp như xâm phạm lãnh thổ, thức ăn, bạn tình hay bảo vệ con cái”.

Tính hiếu chiến đã bảo tồn sau một quá trình tiến hoá lâu dài vì trong suốt thời gian đó nó chứng tỏ sự hữu ích của mình. Đối với gần như tất cả mọi loài nó đều có ích, nhưng với con người thì lại trở thành một chút vấn đề nếu quá hung hăng thì thật tồi tệ. Và một trong những cách chúng ta dùng để giấu đi sự thật rằng chúng ta thích một chút “giao chiến” chính là chơi thể thao – dù là ở cương vị người tham gia hay khán giả. Phương thức này đã luân chuyển dòng dopamine lên não chúng ta.

Kennedy cho biết: “Chúng tôi khuyến khích bạo lực bằng cách xem thể thao bạo lực, đấm bốc, đá bóng hay những môn tương tự. Đó là một cách lý tưởng để chúng ta tận hưởng những cuộc chiến theo một cách phù hợp và mang tính chất giải trí nhiều hơn”.

Kennedy dự định tiến hành nghiên cứu đối với con người nhưng sử dụng ít biện pháp can thiệp hơn. Thay vì đưa một cái ống vào bộ não, ông sẽ sử dụng một máy quét đời mới tinh xảo để quan sát những gì đang diễn ra bên trong bộ não của đối tượng. Tất cả những gì ông cần là những người đồng ý ngồi trong máy quét, xem đấm bốc hoặc đá bóng nhằm tạo nên tính hiếu chiến lây truyền. Ông hy vọng sẽ có nhiều người tình nguyện tham gia.

Lee Dye là một người viết về khoa học cho tờ Los Angeles Times. Ông hiện đang sống tại Juneau, Alaska.

Trà Mi (Theo ABC News)
  • 501