Hình ảnh một mảnh vỡ không gian lao qua Mặt Trăng vào thời điểm xảy ra nguyệt thực toàn phần hôm 20/1 khiến cho lần Siêu trăng máu đầu năm 2019 đi vào lịch sử.
Lần đầu tiên các nhà thiên văn học và người yêu thích thiên văn từ khắp nơi trên thế giới bắt được khoảnh khắc một mảnh vỡ không gian, nhiều khả năng là một thiên thạch bay qua bề mặt của Mặt Trăng khi nó đi vào bóng tối của Trái Đất.
Thiên thạch bay qua Mặt trăng vào thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần. (Ảnh: Science Alert).
Các nhà thiên văn học từng tìm kiếm cảnh tượng như vậy từ rất lâu trước đây, nhưng chỉ cho tới tận lần trăng máu hôm 20/1 họ mới được thỏa nguyện. Mặc dù trong quá khứ từng có nhiều trường hợp thiên thạch bay qua Mặt Trăng vào thời điểm xảy ra nguyệt thực toàn phần, nhưng do trăng máu quá sáng nên không thể quan sát thấy.
Để ghi lại khoảnh khắc chưa từng có này, nhà khoa học Jose Maria Madiedo từ Đại học Huelva, Tây Ban Nha phải dùng tới 8 kính viễn vọng, thay vì 4 như thông thường khi quan sát sự kiện thiên văn cách đây 2 ngày.
"Tôi có cảm giác lần này nó sẽ xảy ra, và tôi đã thực sự hạnh phúc khi nó đã đến", ông Madiedo nói với New Scientist.
Theo ước tính của Madiedo, thiên thạch xuất hiện trong lần Siêu trăng máu mới đây khá nhỏ, chỉ nặng khoảng 2kg và có kích cỡ ngang với một quả bóng. Nhưng chừng đó cũng đủ để nó tạo nên sự khác biệt.