Cơn đau tim có thể xảy đến sau vài giờ tiếp xúc với bụi siêu mịn.
Theo Eurek Alert, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa bệnh nhồi máu cơ tim và việc thường xuyên tiếp xúc với UFP - loại bụi siêu mịn có kích thước từ 100 nanomet trở xuống. Tại khu vực thành thị, khí thải xe hơi là nguồn phát sinh chính của UFP.
"Nghiên cứu này xác nhận một điều đã bị nghi ngờ từ lâu - các hạt bụi siêu mịn trong không khí ô nhiễm có thể là tác nhân gây ra bệnh tim. Điều này đặc biệt đúng trong vài giờ đầu tiếp xúc", tiến sỹ Kai Chen, giáo sư trợ giảng tại Trường Y tế Công cộng Yale, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. "Hàm lượng UFP trong không khí cao là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng".
Bụi siêu mịn do xe hơi thải ra có khả năng gây nhồi máu cơ tim. Ảnh: UCSUSA.
UFP nguy hiểm bởi kích thước rất nhỏ, có khả năng xâm nhập sâu vào tế bào và hệ thống tuần hoàn. Từ năm 1990, các nhà khoa học đã tìm thấy tác động của UFP đối với bệnh nhân hen suyễn. Khoảng 200 công trình nghiên cứu độc lập sau đó cũng phát hiện thêm tác động tiêu cực của bụi mịn đối với cơ thể người. Tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy UFP trực tiếp gây ra nhồi máu cơ tim.
Kai Chen cùng các đồng sự cố gắng tìm hiểu mối liên hệ giữa những cơn đau tim với thời gian và mức độ tiếp xúc với bụi mịn của bệnh nhân.
Nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp tại Trung tâm Helmholtz Munich, Bệnh viện Đại học Augsburg và Bệnh viện Nördlingen, Chen đã kiểm tra dữ liệu các ca bệnh tim không bẩm sinh ở Augsburg, Đức.
Qua nghiên cứu hồ sơ 5.898 bệnh nhân tim từ 2005 đến 2015, đối chiếu với dữ liệu không khí cùng một số yếu tố khác, các tác giả đã phát hiện cơ nhồi máu cơ tim có thể xảy ra vài giờ sau khi bệnh nhân tiếp xúc với UFP.
"Đây là bước quan trọng trong việc tìm hiểu hàm lượng phơi nhiễm bụi siêu mịn có thể gây ra vấn đề sức khỏe", Chen nói. "Các phân tích trong tương lai sẽ kết hợp thời gian tiếp xúc, mức độ ô nhiễm không khí và nhiệt độ cực đoan. Chúng tôi cũng sẽ xác định các nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương liên quan đến tiền sử bệnh và những loại thuốc đã từng dùng".
Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives, số tháng 1/2020.