Bụi mịn là gì? Tác hại khi hít phải bụi mịn trong không khí

Tác hại của bụi siêu mịn trong không khí
  •   32
  • 3.232

Bụi siêu mịn hay bụi PM 1.0 là những hạt dạng lỏng hoặc rắn trôi nổi ngoài không khí. Bụi siêu mịn hay bụi mịn PM 1.0 gây biến đổi ADN và nhiều vấn đề nhãn tiền ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Bụi siêu mịn là gì?

Bụi siêu mịn hay bụi PM 1.0 là những hạt dạng lỏng, hoặc rắn trôi nổi ngoài không khí. Các nhà khoa học thường sử dụng chỉ số PM 10, PM 2.5, PM 1.0 để thể hiện hàm lượng tiêu chuẩn của các hạt dạng lỏng, rắn trôi nổi trong 1 m3 không khí. Và bụi siêu mịn PM 1.0 hiểu như sau

Chữ PM là viết tắt của chữ tiếng Anh - Particulate Matter, có nghĩa là chất dạng hạt (rắn hoặc lỏng).

  • Kí hiệu 1.0 tức là kích thước các hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 1 micromet (micromet viết tắt là μm, bằng 1 phần triệu mét).
  • Kí hiệu PM 1.0, PM 2.5 là chỉ những hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 μm, 2,5 μm.

Bụi càng nhỏ hay càng mịn càng dễ đi sâu vào hệ hô hấp và có thể ảnh hưởng đến cấu trúc DNA, bởi sự mất cân bằng oxy khiến các tế bào khỏe mạnh bị hủy hoại và ảnh hưởng đến sự chuyển hóa các chất hữu cơ của DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni và chất aldehyde có thể cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA, gây ung thư phổi.

Loại bụi mịn PM 1.0 (có kích thước 1 μm), thậm chí cả bụi nano (≤ 0,1μm) có thể vượt qua tất cả các hàng rào ngăn bụi của hệ hô hấp, bít các lỗ trao đổi oxy ở phế nang, tác động đến cấu trúc DNA.

Tác hại của bụi siêu mịn?

  • Gây bệnh về tâm lý: Ô nhiễm môi trường không khí, khói bụi... khiến môi trường thêm ngột ngạt, khó thở, từ đó khiến cho sinh hoạt của người dần bị ảnh hưởng và dẫn đến tâm lý thay đổi bất thường.
  • Các bệnh về hô hấp: quá trình hô hấp là đưa oxy vào phổi, tại phổi, oxy tiếp xúc với máu, trong máu có chất hemoglobin, chất này kết hợp với oxy, mang oxy đến các tế bào. Bụi mịn cộng với khí CO hay SO2, NO2 nhiều sẽ cản hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy gây ra kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi... và những bệnh về hô hấp. Ngoài ra chất độc trong bụi đi vào cơ thể người sẽ gây bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD).
  • Nhồi máu cơ tim: ngoài bệnh về hô hấp, bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, bụi mịn cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Bụi mịn cũng có thể khiến chỗ tắc mạch máu bình thường không nghiêm trọng bỗng nhiên bị vỡ, tạo ra nghẽn mạch, gây nhồi máu cơ tim.
  • Giảm trí nhớ nghiêm trọng: tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể đẩy nhanh sự suy giảm nhận thức. Sự ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hoạt động não bộ, tăng nguy cơ đột quỵ và chứng mất trí nhớ và trầm cảm.

Bụi siêu mịn PM2.5 còn được mệnh danh là "sát thủ âm thầm" bởi có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. PM2.5 gây kháng insulin, viêm và tăng biến chứng bệnh tiểu đường. Bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.

"Không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Những hạt bụi có kích thước nhỏ, đặc biệt PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính", Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho hay.



Cách chống bụi mịn và không khí ô nhiễm hiệu quả

Để có cách chống bụi mịn trong không khí, “sát thủ thầm lặng” gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm chết người thì trước tiên cần phải hiểu được chu kỳ hoạt động của nó, bụi mịn pm2.5 và bụi siêu mịn pm1.0 thường có xu hướng tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm như từ 7 giờ đến 8 giờ sáng và 18 giờ đến 19 giờ chiều. Vào buổi trưa từ 13 giờ đến 14 giờ và ban đêm từ 23 giờ đến 1 giờ sáng thì có hướng giảm xuống thấp nhất, ngoài ra, lượng bụi cũng phụ thuộc lớn vào sự di chuyển của các phương tiện giao thông.

Những loại bụi mịn pm2.5 và siêu mịn pm1.0 thường xuất hiện nhiều ở các vùng có các công trình xây dựng hay các nút giao thông đường bộ có lưu lượng phương tiện qua lại lớn. Do vậy, cách chống bụi mịn hiệu quả chính là hạn chế đến những khu vực này vào các giờ cao điểm.

Ngoài ra, các cơ quan chính quyền cũng cần có biện pháp thiết thực để giúp giảm tải sự ô nhiễm môi trường như điều tiết các phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm, tăng cường phương tiện công cộng, giảm thiểu xe máy, trồng nhiều cây xanh....

Đeo khẩu trang cũng là cách để bảo vệ sức khỏe khỏi không khí ô nhiễm, khẩu trang có thể phần nào chặn những hạt bụi kích thước 10μm xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Do vậy, nếu có việc cần thiết phải đi ra ngoài thì hãy bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang.

Nếu có điều kiện thì nên trang bị máy lọc không khí trong nhà hoặc phòng làm việc để giúp giảm bớt sự ô nhiễm. Đồng thời, trong khẩu phần ăn hàng ngày hãy bổ sung một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, rau xanh và trái cây chứa vitamin A, C...để giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp do bụi gây ra.

Cập nhật: 10/11/2020 Theo VNE/vinmec
  • 32
  • 3.232