Hóa thạch 50 triệu năm của đàn cá cổ đại gần 300 con

  •  
  • 1.849

Hóa thạch của đàn cá hàng trăm con được phát hiện trên dãy núi cao ở Mỹ, giúp nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn hành vi của cá cổ đại.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy hóa thạch của một đàn cá lớn thời cổ đại ở Green River Formation, thành hệ địa chất thế Thủy Tân cách đây 50 triệu năm, lưu giữ trầm tích của cụm hồ trên núi thuộc dãy Rocky chạy qua bang Colorado, Utah, và Wyoming ngay nay. Mẫu vật dài 57cm, rộng 37cm, chứa hóa thạch của ít nhất 259 con cá bơi gần nhau và cùng hướng về một phía, chứng tỏ chúng di chuyển theo đàn.

Mẫu vật hóa thạch của đàn cá cổ đại ở thế Thủy Tân.
Mẫu vật hóa thạch của đàn cá cổ đại ở thế Thủy Tân. (Ảnh: IFL Science).

Theo báo cáo trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, nhóm nghiên cứu ở Đại học Arizona xem xét kỹ hơn vị trí của những con cá trong đàn và lập mô phỏng để ước tính cách đàn cá và từng cá thể di chuyển. Hành vi tập thể của đàn cá là sự cân bằng giữa hút và đẩy. Mỗi con cá vừa bị đẩy khỏi đồng loại bơi gần đó để tránh đâm vào nhau, vừa bị thu hút bơi theo hàng về phía những con ở xa, nhờ vậy chúng không bị lạc đàn.

Giống như cá ngày nay, hình dáng của đàn cá cổ đại góp phần giảm nguy cơ bị ăn thịt và làm kẻ săn mồi bối rối. Dường như mật độ cá cao hơn ở vùng trung tâm an toàn hơn, và thấp hơn ở rìa của đàn, nơi động vật săn mồi dễ dàng tấn công. Nhiều khả năng ấu trùng và cá chưa trưởng thành trốn ở giữa đàn trong khi những con cá trưởng thành khỏe mạnh tỏa ra phía ngoài.

Các nhà nghiên cứu chưa rõ kết cấu đàn cá được lưu giữ dưới dạng hóa thạch như thế nào. Tuy nhiên, phát hiện chỉ ra cá bơi thành đàn bằng cách kết hợp hàng loạt quy tắc hành vi ít nhất từ thế Thủy Tân.

Cập nhật: 30/05/2019 Theo VnExpress
  • 1.849