Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn dự án Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống trọng lực trên toàn quốc, phục vụ đắc lực cho các ngành địa chất, khí tượng thủy văn cũng như an ninh và quốc phòng của đất nước.
Hệ thống trọng lực quốc gia bao gồm hệ thống các điểm trọng lực cơ sở và mạng lưới trọng lực hàng I, được xây dựng nhằm đảm bảo việc cung cấp các tài liệu điều tra cơ bản về trọng trường Trái đất trên lãnh thổ Việt Nam.
PGS. TS Hà Minh Hòa. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Theo PGS. TS Hà Minh Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, việc hoàn thiện hệ thống đo trọng lực quốc gia có một vai trò rất to lớn đối với nhiều ngành nghề khác nhau.
Các số liệu về trọng trường Trái đất trên toàn bộ lãnh thổ sẽ giúp chúng ta xác định sự thay đổi theo thời gian của trọng trường, phụ vụ việc nghiên cứu xác định chuyển dịch đứng của bề mặt tự nhiên Trái đất, từ đó dự báo tai biến tự nhiên và biến đổi khí hậu toàn cầu. Các số liệu này cũng sẽ giúp chúng ta nghiên cứu cấu trúc địa chất của các lớp sâu trong lòng đất và thăm dò, tìm kiếm khoáng sản cũng như các mạch nước ngầm,…
Ông Hòa cho biết, khi xây dựng hệ thống đo trọng lực quốc gia, chúng ta đã sử dụng công nghệ đô trọng lực tuyệt đối. Phương pháp này không chỉ cho độ chính xác cao hơn mà còn tiết kiệm được nhiều kinh phí do không đòi hỏi di chuyển cũng như tiện lợi cho việc phát triển các điểm trọng lực ra các đảo thuộc vùng biển của Việt Nam.
“Với việc xây dựng hệ thống trọng lực quốc gia bằng phương pháp đo trọng lực tuyệt đối, Việt nam thuộc danh sách không nhiều nước có hệ thống trọng lực quốc gia hiện đại và có độ chính xác cao”, ông Hòa khẳng định.
Ông Hòa cũng cho biết, trong thời gian sắp tới, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ sẽ tiến hành đô tọng lực vùng núi cũng như trên biển Đông của Việt Nam bằng phương pháp trọng lực hàng không.