Hoàng Xuân Sính, nữ giáo sư toán học đầu tiên

  •  
  • 2.767

Gần một nghìn năm khoa cử Nho giáo ở nước ta, gần 3.000 người đỗ tiến sĩ, song tất cả đều là... đàn ông! Nguyễn Thị Duệ là người phụ nữ duy nhất cải nam trang để đi thi và đỗ tiến sĩ. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thay đổi "phận đàn bà"; từ đấy, không cần phải "đổi phận làm trai", nhiều chị em phụ nữ vẫn có thể trở thành tiến sĩ, giáo sư. Nữ giáo sư, tiến sĩ toán học Hoàng Xuân Sính là một trường hợp tiêu biểu.

Gắn bó với vận mệnh dân tộc

Thế là chị Sính trở lại Paris. Chị đã sống qua thời sinh viên tại Pháp, thi lấy bằng cử nhân khoa học, rồi bằng thạc sĩ toán tại đây. Cũng chính tại đây, chị bí mật tham gia phong trào Việt kiều yêu nước với sự dìu dắt của những nhà trí thức tiên phong như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông… Theo gương họ, chị tự nguyện rời bỏ cuộc sống thanh bình, đầy đủ tiện nghi ở phương Tây để trở về nước ngay trong những năm tháng cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Người bạn trai của chị dứt khoát từ chối, không chịu trở về nước và, do đó, hai người đành lịch sự chia tay nhau. Tấm gương cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh xả thân cứu nước đã tác động sâu xa đến tâm hồn chị ngay từ khi chị còn là một cô nữ sinh trung học tại Hà Nội trong những năm thành phố này tạm thời bị quân đội viễn chinh Pháp chiếm đóng (1947 - 1954). Chính trong những năm buồn đau đen tối ấy, chị đã can đảm bí mật tham gia phong trào học sinh yêu nước chống chính quyền thực dân.

Về nước, được phân công dạy toán tại Đại học Sư phạm Hà Nội, chị cũng như bao nhà toán học Việt Nam khác phải sơ tán khỏi thành phố, đến làm việc ở chốn làng quê, sống biệt lập với thế giới khoa học bên ngoài.

Bản luận án tiến sĩ quốc gia hình thành dần dưới ánh đèn dầu trong gian nhà tranh trống trải ở một làng trung du bên bờ con sông Đáy nước chảy lặng lờ. Không có giáo sư tư vấn để hỏi vào những lúc "bí". Trong mấy năm liền mải miết viết luận án, chị Sính chỉ có thể trao đổi ý kiến với anh Đoàn Quỳnh và một vài người bạn khác ở khoa toán. Mưa dầm dề dai dẳng. Gió mùa đông-bắc rét thấu xương. Vách liếp đan thưa, lắm kẽ hở. Ngọn đèn dầu lung lay trước gió. Chị Sính khoác tấm chăn chiên mỏng màu xám xỉn, ngồi co ro ghi lại những ý nghĩ mới nảy sinh trong đầu thành từng dòng, từng trang luận án...

Bảo vệ luận án tiến sĩ quốc gia

Và rồi chị được mang bản luận án ấy sang Paris bảo vệ để lấy bằng tiến sĩ quốc gia. Đặt chân đến một đô thị lớn phồn hoa như Paris, bao giờ chị Sính cũng cảm thấy mình lạc lõng. Cảm giác ấy cứ đeo đẳng chị suốt những năm dài theo học đại học ở Pháp. Và lần này cũng thế. Chị luôn thờ ơ với những gì quá ư lộng lẫy, hối hả, náo nhiệt. Dường như tâm hồn phương Đông của chị chỉ hợp với vẻ dung dị, cảnh bình yên, sự khoan thai điềm đạm, giúp con người ta dễ trầm tư mặc tưởng. Dù sao lần này trở lại Paris, chị cũng có dịp gặp bạn bè xưa trong phong trào bí mật của Việt kiều yêu nước thời chống Pháp gian nan, những con người đã tự nguyện gắn bó tuổi thanh xuân của mình với sự nghiệp đầy hy sinh của dân tộc. Chị cũng gặp lại nhà toán học mới thân quen trong thời kỳ chống Mỹ khi ông sang Việt Nam giảng về hình học đại số, và suýt nữa bị... trúng bom Mỹ! Đó là giáo sư Grothendieck.

Cuộc bảo vệ luận án diễn ra tại Đại học Paris 7, thuộc hệ thống Sorbonne. Hội đồng chấm luận án gồm những nhà toán học nổi tiếng như GS Henri Cartan, huy chương Fields, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp; GS Alexander Grothendieck, huy chương Fields; v.v... Chị bảo vệ bản luận án thứ nhất Gr phạm trù, trong hai tiếng rưỡi đồng hồ - bản luận án chị đã viết trong nhiều năm sơ tán tại một làng quê bên dòng sông Đáy "ngô xanh ngắt bãi phù sa". Chưa xong! Ngay sau đó, chị bảo vệ tiếp bản luận án thứ hai Cái nhúng của một phức một thứ nguyên vào một đa tạp vi phân hai thứ nguyên, bản luận án chị phải thực hiện ngay tại Paris, chỉ trong vòng hai tháng, theo đề tài do Hội đồng toán học nơi chị dự thi, ra cho chị để... "thử tài"! Cả hai bản luận án ấy đều nhằm giải quyết những vấn đề toán học hiện đại với nội dung phong phú.

Hoàng Xuân Sính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học.

Tờ tạp chí hằng tháng Phụ nữ Liên Xô xuất bản tại Moscow, số tháng 8.1975, trong chuyên đề về phụ nữ Việt Nam, đã dành nửa trang để giới thiệu nhà nữ toán học Hoàng Xuân Sính. Trả lời phỏng vấn của một nhà báo Liên Xô, chị nói lên niềm mơ ước của mình: "Tôi muốn góp phần đào tạo một lớp các nhà toán học trẻ ở đất nước chúng tôi. Hiện nay, nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam còn phải ra nước ngoài viết luận án tiến sĩ. Chúng tôi muốn xây dựng nhiều chuyên ngành toán học ở trình độ cao, ngay trên đất nước mình".

GS Hoàng Xuân Sính là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng Kovalevskaya cho các nhà khoa học nữ xuất sắc ở Việt Nam. Nhiều lần chị được cử làm trưởng đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic toán quốc tế. Chị cũng dành thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội đa dạng.

Ai đã từng có lần tiếp xúc với chị đều cảm thấy đó là một người phụ nữ sắc sảo và ý nhị.

Hàm Châu

Theo Sài Gòn tiếp thị
  • 2.767