Học sinh 16 tuổi chinh phục bài toán thế kỷ

  •   54
  • 7.311

Một thiếu niên giải được bài toán hóc búa mà thiên tài Isaac Newton đặt ra từ thế kỷ 17, một thách thức mà nhiều nhà toán học kỳ cựu trên thế giới không thể vượt qua.

Hơn 300 năm trước, nhà bác học Newton từng đặt ra câu hỏi: Làm thế nào con người có thể tính toán chính xác quỹ đạo của một vật thể di chuyển trong không khí? Những vật di chuyển trong không khí chịu tác động của cả lực hấp dẫn lẫn lực cản của không khí nên tính toán quỹ đạo của chúng là việc cực khó. Vô số nhà toán học đã cố gắng tìm lời giải cho bài toán của Newton trong vài thế kỷ qua, song họ mới chỉ tìm ra một phần đáp án.

Shouryya Ray, một người Đức gốc Ấn Độ, vừa trở thành người đầu tiên giải được bài toán của Newton. Thiếu niên 16 tuổi cho hay, cậu giải được bài toán trong quá trình thực hiện một dự án ở trường, The Herald Sun đưa tin.

Shouryya Ray luôn khát khao khám phá vẻ đẹp vô hạn của toán học.
Shouryya Ray luôn khát khao khám phá vẻ đẹp vô hạn của toán học.

Nhà trường đã trao phần thưởng cho Shouryya, còn giới truyền thông Đức gọi cậu là thần đồng. Tuy nhiên, Shouryya khẳng định cậu không phải là thần đồng vì cậu giải được bài toán nhờ sự tò mò.

“Khi người ta nói với chúng cháu rằng bài toán của Newton không có đáp án, cháu nghĩ rằng cháu chả mất gì nếu thử giải nó”, Shouryya tâm sự.

4 năm trước cha của Shouryya tìm được công việc trong một trường cao đẳng kỹ thuật tại Đức và cả gia đình chuyển tới đó. Shouryya kể rằng cha cậu đã truyền cho cậu khao khát học toán. Ông dạy cậu làm các phép tính khi cậu mới 6 tuổi.

Subhashis, cha của Shouryya, nói rằng kiến thức của anh không đáp ứng được nhu cầu học toán của con trai.

“Nó không bao giờ thảo luận bài tập với tôi trước khi làm xong bài tập đó. Những cách giải toán của nó vượt ra ngoài sự hiểu biết của tôi”, Subhashis tâm sự.

Bài toán thế kỷ của Newton thuộc lĩnh vực động lực học. Đáp án của Shouryya sẽ giúp giới khoa học giải quyết nhiều thách thức trong lĩnh vực đòi hỏi mức độ chính xác cao - như đạn đạo học.

Theo VNE
  • 54
  • 7.311