Hỏi khó: Thuốc độc lúc hết hạn sẽ không độc nữa hay còn nguy hiểm hơn?

Thuốc độc hết hạn có độc hơn không?
  •   3,76
  • 5.623

Thuốc độc là tên gọi chung cho vô số hóa chất hoặc hỗn hợp các hóa chất có khả năng gây hại lên sức sống của sinh vật, với vô số đặc tính khác nhau.

Theo Indiastudychannel thời hạn sử dụng của thuốc độc phụ thuộc vào khả năng phản ứng hóa học và độ bền nhiệt của nó. Nhiều hóa chất khi được bảo quản đúng cách theo khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ không bị phân hủy hoặc tan rã đột ngột. Vì vậy, khi hết hạn sử dụng chúng sẽ được kiểm định lại theo phương pháp khoa học và thời hạn sử dụng có thể được kéo dài. Tất cả điều này phụ thuộc vào mức độ phản ứng của chất.

Hạn sử dụng của sản phẩm chỉ là một dấu hiệu cho thấy thời gian hoạt động tốt của nó mà thôi. Bởi lẽ, không có hóa chất nào bị hỏng chỉ trong một ngày và cũng không có hóa chất nào tốt ngày hôm trước và đến hôm sau thì xấu luôn. Hiệu quả sử dụng của sản phẩm sẽ giảm dần trong một khoảng thời gian và qua hạn sử dụng thì chất lượng của nó sẽ giảm dần.

Vậy nên về độ độc của thuốc khi hết hạn thì câu trả lời là: tùy thuộc vào loại thuốc độc và cách mà bạn bảo quản nó.

Khi để lâu không dùng, chúng phải tiếp xúc với tác nhân oxi hóa, tia UV, nhiệt độ, hơi nước,... mỗi ngày và sẽ biến đổi thành các chất mới. Độc tính riêng và cách thức mà cơ thể tiêu hóa chúng sẽ nắm vai trò quyết định liệu thuốc độc sẽ trở nên nguy hiểm hơn hay bị mất tác dụng.

Các chất độc hữu cơ

Phần lớn các thuốc diệt cỏ, diệt bọ, nấm... sẽ phân hủy theo thời gian và dần mất đi tác dụng sau trung bình từ 3 – 5 năm. Mặc dù cần thêm một thời gian khá dài nữa sau khi quá hạn trên bao bì thì thuốc mới hoàn toàn bị vô hiệu hóa, nhưng giống như mọi hóa chất khác, chúng được khuyến cáo đem đi tiêu hủy bởi liều dùng hiệu quả lúc này đã thay đổi đáng kể.

Nhóm hữu cơ đa phần bị mất tác dụng, tuy nhiên khả năng còn lại không phải là không xảy ra.
Phần lớn các thuốc diệt cỏ, diệt bọ, nấm... sẽ phân hủy theo thời gian và dần mất đi tác dụng sau trung bình từ 3 – 5 năm.

Rất khó có thể tính toán được chính xác khoảng thời gian này mà không nhờ tới phòng thí nghiệm, và việc tăng liều thì đôi khi hiệu quả, đôi khi không.

Một ví dụ rất phổ biến chính là thuốc diệt chuột, bởi loài chuột có sức đề kháng cực kì tốt nên đa phần có thể miễn nhiễm với độc tính bị suy giảm của bả. Nếu thuốc hết hạn và bạn phải trộn thêm thuốc, chắc chắn chúng sẽ đánh hơi ra đấy vì chất tạo mùi đánh lừa thính giác lũ chuột cũng bị phân hủy theo thời gian.

Số đông là như vậy, nhưng vẫn có một vài loại khi biến tính lại trở thành những chất còn nguy hiểm hơn nhiều.

Chẳng hạn như thuốc diệt cỏ nổi tiếng là 2,4D (2,4-Dichlorophenoxyacetic acid) để lâu sẽ sinh ra Dioxin. Có những thuốc trừ sâu biến tính khi gặp nước và tạo nên các khí độc thần kinh rất mạnh hoặc gây suy yếu, gây chết đối với thực vật, làm giảm đáng năng suất của mùa màng.

Rất may, bạn có thể dễ dàng nhận ra thuốc độc kiểu này với 2 đặc điểm: hạn hiệu lực (expiration) ngắn và thường được in thêm 1 loại hạn nữa là hạn sử dụng (shelf-life).

Ngoài ra, chúng ta còn có các loại độc tự nhiên có bản chất là protein được chiết xuất từ nọc của các loài có độc như rắn, nhện, bọ cạp,... Không rõ giới khoa học đã có nghiên cứu nào về hạn sử dụng của chúng hay chưa bởi tính ứng dụng trực tiếp và phổ cập khá thấp, nhưng dựa trên thành phần chính của nó ta cũng hoàn toàn có thể dự đoán được rằng những chất độc loại này không bền, rất dễ biến tính và mất sạch tác dụng nếu để quá lâu.

Nói tóm lại, nhóm hữu cơ đa phần bị mất tác dụng, tuy nhiên khả năng còn lại không phải là không xảy ra.

Các chất độc vô cơ

Độc chất vô cơ thì lại không như vậy, mà thường thì trước hay sau hạn cũng đều độc ngang ngửa nhau. Hạn sử dụng của chúng thường mang ý nhắc nhở rằng: sau ngày này, chúng đã bị biến đổi về mặt hóa học.

Loại này thường có thành phần chính là kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi, asen... – không chỉ độc ở dạng đơn chất mà thậm chí còn có khả năng gây hại cao hơn khi có mặt trong hợp chất. Trong điều kiện thường, hiếm khi có chuyện chúng bị biến đổi thành một chất nào đó không gây hại.

Ở một số trường hợp đặc biệt, độc vẫn hoàn độc, nhưng cách nó gây ảnh hưởng lên cơ thể sinh vật thì có đôi chút khác biệt. Điển hình nhất là asen, một khi đã biến đổi thì sẽ độc hơn (chỉ cần một liều nhỏ) nhưng lại tốn nhiều thời gian hơn để phát tác.

Asen một khi biến đổi sẽ độc hơn.
Asen một khi biến đổi sẽ độc hơn.

Như vậy, mỗi loại độc quanh ta đều có những biểu hiện rất riêng khi quá hạn sử dụng và chắc chắn là liều lượng, cách thức và hiệu quả lúc này đã khác xa những gì được ghi trên bao bì của nó. Với sự màu nhiệm của hóa học, chuyện gì cũng có thể xảy ra nên tốt nhất – dù để lâu đến đâu thì độc vẫn là độc.

Cập nhật: 24/11/2020 Theo Trí Thức Trẻ/vnreview
  • 3,76
  • 5.623