Hội Tam điểm và quyền lực trong bóng tối

  •   414
  • 28.933

Những ai đã từng đọc tiểu thuyết “Biểu tượng thất truyền” của nhà văn nổi tiếng Dan Brown thì khó mà quên được các chi tiết con số 13 và “con mắt Thông huyền” - những thứ tượng trưng cho hội kín Hội Tam điểm cùng những câu chuyện nhuốm màu kỳ bí.

Hội Tam Điểm là một hội kín ra đời từ xa xưa, tuy nhiên việc hội này ra đời từ bao giờ và trong bối cảnh nào thì hiện vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào được cho là xác thực nhất. Hội kín Tam Điểm còn để lại nhiều dấu ấn ở các quốc gia và ảnh hưởng trong hồ sơ liên quan đến các sự kiện lịch sử.

Bài 1: Hội kín quy tụ những nhân vật tinh hoa mang “trách nhiệm khai sáng”

Tại sao gọi là “Tam điểm”?

Theo phần đông ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử thì Hội Tam Điểm (Freemasonry) là một tổ chức huynh đệ có nguồn gốc từ thời Trung Cổ, chính thức ra đời ở thị trấn nhỏ Warrington, Anh, vào năm 1646. Hội này kết nạp các hội viên không những xuất thân từ các gia tộc quyền quý, thông tuệ trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, nghệ thuật… mà còn giàu lòng bác ái, theo đuổi tôn chỉ mục đích vì sự tiến bộ của xã hội và nhân loại phi giáo điều nhằm tiến tới sự hoàn thiện của nhân loại.

Biểu tượng của Hội Tam điểm trông như chiếc compa với con mắt Thông huyền ở vị trí trung tâm.
Biểu tượng của Hội Tam điểm trông như chiếc compa với con mắt Thông huyền ở vị trí trung tâm.

Theo sử sách, Hội Tam Điểm không phải là một dạng dị giáo cho dù các thành viên được kết nạp vào hội theo các nguyên tắc và nghi thức thần bí. Họ sử dụng các yếu tố khoa học, tâm linh, tôn giáo như lựa chọn các số tự nhiên “đẹp”, các biểu tượng tự nhiên, yếu tố thần bí của tôn giáo, tính trang nghiêm của các nghi thức hành lễ cổ xưa để trao đổi cùng nhau và thực hiện sứ mạng “Khai sáng” (Enlighten) nhân loại của mình.

Trong những ngày đầu thành lập, Hội Tam Điểm thường tham gia vào các hoạt động từ thiện, phát huy tình huynh đệ và tôn trọng những giá trị đạo đức, mong muốn chia sẻ công việc và đóng góp lợi ích cho xã hội. Nhiều nguồn tư liệu dẫn ra rằng, thành viên của hội này có mặt nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời, và ước khoảng 5 triệu người.

Từ gốc của Hội Tam Điểm bắt nguồn từ chữ MASON có nghĩa là thợ nề. Một số tài liệu cho rằng, Hội Tam Điểm ra đời từ trước Công nguyên trong thời kỳ xây dựng Đền Vua Solomon và thợ nề thuở ấy xây dựng các công trình bằng cách đẽo gọt, ghép những khối đá nặng vài ba tấn mà không dùng đến vôi vữa. Từ “Freemason” (thành viên Hội Tam Điểm) được ghép từ “Free” (tự do) và mason (thợ nề) mang ngụ ý “nền tảng tự do” hay “theo đuổi sự tự do”.

Từ “Tam điểm” du nhập vào Việt Nam từ tiếng Pháp và người Pháp: Các Sư huynh (Frère) hay Sư phụ (Maitre) khi viết cho nhau thường viết tắt là F và M với ba dấu chấm hình tam giác phía sau và vì thế người Việt quen gọi là “Tam điểm”.

Biểu tượng của Hội Tam Điểm

Biểu tượng của Hội Tam Điểm trông giống như hình chiếc compa trong môn hình học bởi chính chiếc com-pa, hình vuông và kim tự tháp vừa là những “dụng cụ” thể hiện sức mạnh thần bí vừa tạo nên nét đặc trưng của hội.

Nhà toán học Pitago (570 trước CN - 495 trước CN), người tiên phong trong “nền tảng của tất cả các loại hình kiến trúc và toán học” được truy phong là một trong những thành viên khai sáng Hội Tam Điểm vì nhờ ông, hội mới có biểu tượng đặc biệt như thế. Các ứng viên muốn gia nhập hội hay khi được giới thiệu kết nạp phải trải qua quá trình sát hạch nghiêm ngặt với một cuộc điều tra về lý lịch, học thức, môi trường sống… và phải trả lời suôn sẻ mọi câu hỏi mà hội viên khác đưa ra trong khi bị bịt mắt.

Thành viên tổ chức

Hội Tam Điểm được tổ chức thành nhiều hội quán và quyền lực được chia đều cho các hội quán. Các hội quán hoặc Đại hội quán đều có quyền tuyển chọn hội viên tùy theo yêu cầu. Sự khác nhau giữa các hội quán nằm ở nghi thức chia thành 2 nhánh theo nhìn nhận là:

  • Nhánh hợp pháp: Là nhóm giữ nguyên những tư tưởng, nghi thức ban đầu của hội và niềm tin vào Đấng tối cao.
  • Nhánh ngoại lai: Không áp đặt bắt cứ tư tưởng, nghi thức nào và chấp nhận vô thần.
    Cấp bậc Hội Tam Điểm được cho là liên quan với hội Hiệp sĩ Đền Thánh

Hội Tam Điểm phân chia thành viên thành 33 cấp độ. Ở thứ hạng cấp độ 33, người này đứng đầu hội quán và điều khiển các nghi lễ của hội. Cho tới nay, Hội Tam Điểm đã có hàng triệu hội viên và không thể thống kê chính xác là bao nhiêu.

Khi đủ điều kiện trở thành hội viên, ứng viên phải bảo toàn tính cơ mật của hội và không được tiết lộ tên của thành viên khác trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bộ phận điều hành của hội được gọi là Chi hội lớn. Trên thế giới, Tam điểm có nhiều chi hội nhưng không có một cơ quan điều hành đơn nhất, có khi một chi hội có thể chỉ có một người.

Dù danh tính hội viên Hội Tam Điểm được giữ bí mật nhưng theo thời gian, điều này dần dần phải lộ ra, từ đó, người ta mới biết được nhiều nhà chính trị, nguyên thủ quốc gia là thành viên của Tam điểm. Ấn tượng nhất là các vị Tổng thống Mỹ như George Washington, Benjamin Franklin, Andrew Jackson, Theodore Roosevelt; các nhà khoa học lỗi lạc như Charles Darwin, Isaac Newton; còn trong giới văn học nghệ thuật là danh họa vĩ đại Leonardo da Vinci, nhà soạn nhạc trứ danh người Áo Mozart, nhà văn Mark Twain, tiểu thuyết gia trinh thám Arthur Conan Doyle …

Chỉ cần lướt qua những cái tên này, chúng ta cũng đủ hình dung phần nào quyền lực và sức hút thần bí của một hội kín vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Hoạt động chủ yếu

Hội Tam Điểm truyền tải những kiến thức giáo dục mang tính bí truyền được thể hiện qua những biểu tượng và các nghi lễ. Các hội viên được khuyến khích hành động đối xử giúp đỡ xã hội và thể hiện điều đó theo phong cách riêng. Hoạt động chủ yếu trong thời gian đầu của hội và gắn kết tình cảm “huynh đệ”, tổ chức từ thiện và đóng góp giúp đỡ cho xã hội.

Dấu ấn của Hội Tam Điểm trong lịch sử chính trị Mỹ

Các tư liệu sử học cho rằng, nhiều tổng thống có công lập nên Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là thành viên Hội Tam điểm như George Washington, Thomas Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin…

Kể từ khi giành được độc lập từ tay người Anh, phải mất hơn 10 năm ròng rã, George Washington mới chọn được vùng đất làm thủ đô mới cho nước Mỹ, chứ không lấy các thành phố vốn là nơi khởi phát cách mạng Mỹ như Boston, Pensylvania hay thành phố New York.

Bố cục khu vực trung tâm quyền lực nước Mỹ trong hình con cú vọ.
Bố cục khu vực trung tâm quyền lực nước Mỹ trong hình con cú vọ.

Theo cách nhìn của G. Washington, thủ đô Washington DC ngày nay có vị trí địa lý hội tụ đủ các yếu tố phong thủy. Công việc thiết kế trung tâm chính trị của thủ đô Washinngton DC được giao cho kiến trúc sư người Pháp Pierre Charles LEnfante, cũng là một thành viên Hội Tam điểm.

Khi nhận lệnh lập đồ án thiết kế, khởi công xây dựng thủ đô Washington vào đầu năm 1791 từ các Tổng thống George Washington và Thomas Jefferson, Pierre Charles LEnfante đã áp dụng rất nhiều nguyên tắc kiến trúc và thiết kế khác nhau; vừa khoa học, vừa kế thừa các truyền thống kiến trúc Ai Cập, La Mã và Hy Lạp cổ đại; vừa phải tính toán kỹ lưỡng kích thước và tỷ lệ cân xứng chuẩn mực của các công trình; đưa các yếu tố tôn giáo cũng như phối trí hài hòa ảnh hưởng của các thành tố Đất, Nước, Gió, Lửa… để thiết chế chính quyền Mỹ đạt được vượng khí và sự bền vững. Không những các công trình chính biểu trưng cho chính quyền mà cho đến hệ thống đường sá, nhà cửa của thủ đô Washington DC cũng được LEnfante đưa vào bản thiết kế với các yếu tố phong thủy, thể hiện các biểu trưng kỳ bí của Hội Tam Điểm.

Thứ nhất, LEnfante không đặt Nhà Quốc hội và Nhà Trắng nằm trên cùng một trục đường, không để hai thiết chế Quốc hội và chính quyền ở thế “đối đầu” nhau. Từ Quốc hội sang Nhà Trắng và ngược lại phải đi qua ít nhất hai cung đường.

Thứ hai, do tổng thống lập quốc G. Washington và hầu hết các nhà sáng lập nước Mỹ là những người theo đạo Cơ đốc nên ảnh hưởng tôn giáo thể hiện rõ trong tiêu chí vận hành chính quyền. Điều này không chỉ thể hiện trong việc thiết kế đồng đôla Mỹ với dòng chữ “In God We Trust” (Chúng ta tin vào đức Chúa trời), mà còn trong chính thiết kế của trung tâm quyền lực Hiệp chủng quốc.

Nếu nối hai đường thẳng, một đường từ đỉnh mái vòm tòa nhà Quốc hội Mỹ đến đài tưởng niệm Abraham Lincoln, một đường từ Nhà Trắng tới đài tưởng niệm Thomas Jefferson thì sẽ thấy hình một cây Thánh giá khổng lồ nằm ngay khu vực trung tâm quyền lực của nước Mỹ. Điều này không chỉ nhìn thấy trên bản đồ mà còn nhìn thấy rất rõ trên các bức ảnh chụp từ trên cao.

Thứ ba; hình tượng ẩn dụ của Con cú vọ, một linh vật của Hội Tam Điểm hiện diện rất rõ trong khu vực trung tâm quyền lực nước Mỹ với hai con mắt nhìn xuống toàn bộ khu vực Washington Mall, còn phần ức và trái tim ôm trọn toàn bộ nhà Quốc hội Mỹ. Đối với Hội Tam Điểm, hình tượng Cú vọ thể hiện sự khôn ngoan, có khả năng nhìn xuyên thấu, nhìn một cách tường tận những gì mà người khác không nhìn thấy cho dù được che giấu kỹ đến đâu.

Trong thần thoại Hy Lạp, Cú vọ biểu trưng của nữ thần Học tập, còn trong một số đơn vị tiền tệ của La Mã – Hy Lạp cổ đại và hiện nay, Cú vọ biểu trưng cho địa vị, sự thông tuệ và của cải. Theo quan niệm truyền thống của người Việt thì tiếng kêu và sự xuất hiện của Cú vọ là điềm xấu, báo trước cái chết. Tuy nhiên, đối với Hội Tam Điểm, Cú vọ chính là thủ lĩnh của bóng đêm, bảo vệ linh hồn và các di sản tinh thần của người đã mất, truyền sang thế hệ kế tiếp.

Trong các số tự nhiên, các thành viên Hội Tam điểm tin vào sự kỳ diệu của một vài số tự nhiên, trong đó có con số 13 và 33. Con số 33 tương ứng với 33 đốt sống lưng của tuyệt đại đa số con người trên trái đất. 33 đốt sống này liên kết chặt chẽ giúp con người đứng thẳng và hướng nhìn về phía trước.

Mặt khác, cấp độ 33 là cấp độ cuối cùng trong thang bậc xếp hạng của Hội Tam điểm nên mái vòm Rotunda của tòa nhà Quốc hội Mỹ được chống đỡ bởi 33 chiếc cột, mỗi chiếc cột lại cao đúng 3,3m, đồng nghĩa với sự trường sinh của quyền lực nhân dân - tức Quốc hội Mỹ. Ngoài con số 33, con số 13 cũng được Hội Tam Điểm sử dụng thường xuyên.

Trong khi đối với đạo Thiên Chúa và hầu hết các nền văn hóa khác thì con số 13 được coi là con số “xui xẻo” vì con số 13 ứng với số thứ tự của Juda - vị tông đồ cuối cùng đã phản lại Chúa Giê-su, còn ngày thứ 13 nào trong năm mà rơi vào Thứ sáu thì được coi là ngày “đen đủi” (đến nay, nhiều tòa nhà cao tầng ở cả châu Âu lẫn Châu Á không đánh số tầng thứ 13) thì đối với những thành viên Hội Tam điểm, con số 13 được giải thích ở các khía cạnh tích cực nhất.

Cũng như con số 33, tương ứng với số đốt sống lưng của người, con số 13 cũng được các thành viên Hội Tam điểm giải thích theo cách lấy con người làm trung tâm.

Theo đó, con số 13 tương ứng với toàn bộ số khớp nối của cơ thể (joints), giúp con người vận động và di chuyển linh hoạt. 13 chính là con số 12 chuyển động xoay quanh hạt nhân, chẳng hạn như 12 vị Tông đồ quây tụ quanh chúa Giê-su, 12 chòm sao trong hệ Mặt trời. Họ cho rằng, sự ra đời của nước Mỹ với 13 bang miền Bắc là các thành viên sáng lập ban đầu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được xem là “sự sắp đặt của đấng tạo hóa”.

Tờ 1 đôla là tờ giấy bạc phổ biến nhất nước Mỹ. Trên tờ bạc này quy tụ những biểu trưng và ám thị của số bí thuật, chẳng hạn Kim tự tháp dang dở, con mắt Thông huyền, số 13 xuất hiện dày đặc: 13 ngôi sao trên đầu đại bàng, 13 tầng kim tự tháp, 13 vạch ngang trên tấm khiên, 13 nhành và 13 quả trên khóm ô liu, 13 mũi tên trong một bó, rồi cả hai dòng chữ La tinh Annuit Coeptis và E Pluribus Unum đều gồm 13 ký tự.

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều các dẫn chứng về ảnh hưởng nhiều mặt của Hội Tam điểm đối với nước Mỹ và cho thấy ngay từ thuở lập quốc, giới tinh hoa của nước Mỹ không chỉ tin tưởng ở bản thân, ở một thiết chế lành mạnh, mà còn tin rằng nếu các công việc của họ phù hợp với quy luật của đất, trời thì nước Mỹ sẽ trường tồn và thịnh vượng.

Cập nhật: 20/03/2020 Theo antg/phucnguyenblog
  • 414
  • 28.933