|
Tê giác hai sừng - một trong số các loài động vật quý hiếm của VN đang có nguy cơ tuyệt chủng |
Mới đây, Bộ Tài nguyên-Môi trường và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc cho biết: theo kết quả điều tra của các nhà sinh học, từ năm 1996 đến nay, ở nước ta có 152 loài động vật và thực vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng; trong đó đáng chú ý các loài tê giác hai sừng, heo vòi, cầy rái cá, hươu sao, cá chép gốc, cá sấu hoa cà... hầu như không tồn tại trong tự nhiên mà chỉ còn một số cá thể.
Một trong các nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường, phá rừng, cháy rừng ngày càng gia tăng về mức độ nghiêm trọng.
Hiện nay, cả nước có 126 khu bảo tồn thiên nhiên, với tổng diện tích trên 2,5 triệu ha, bao gồm các khu rừng bảo vệ cảnh quan, vườn quốc gia, khu bảo tồn loài và nơi cư trú, khu dự trữ thiên nhiên... tăng 28% diện tích so với trước khi nước ta tham gia Công ước quốc tế về đa dạng sinh học năm 1994.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường: mặc dù tỷ lệ đầu tư cho các dự án bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam mỗi năm chiếm từ 20-30% nguồn kinh phí trong lĩnh vực môi trường, nhưng chất lượng bảo tồn chưa cao.
Để ngăn chặn tình trạng suy giảm đa dạng sinh học, nhất là bảo vệ các động thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng, cần phải có các cơ quan chức năng đủ mạnh tại các khu bảo tồn để đổi mới cách quản lý hệ thống, duy trì được các đặc trưng cốt lõi cho khu bảo tồn đa dạng sinh học.