In 3D được cả giác mạc và cấy ghép thành công, con người thực sự đã tới tương lai

  •  
  • 880

Giác mạc - một trong những bộ phận tinh tế nhất cũng đã được in thành công. Còn gì mà khoa học không thể làm nữa đây?

Công nghệ in 3D hiện nay có lẽ cũng không còn quá mới mẻ nữa, với rất nhiều ứng dụng trong ngành sản xuất.

Tuy nhiên, y học hiện nay cũng đã có những ứng dụng cực kỳ bất ngờ với công nghệ in 3D, khi có thể "in" được nội tạng con người. Và bất ngờ nhất là mới đây, các nhà khoa học đã thành công khi in được cả giác mạc - lớp vỏ ngoài cùng của mắt, có vai trò kiểm soát lượng ánh sáng hội tụ vào nhãn cầu.

Đây là một bộ phận cực kỳ quan trọng khi mỗi năm có tới 5 triệu người bị mù do tổn thương giác mạc. Trong danh sách chờ của các bệnh viện, có khoảng 10 triệu người đang chờ đợi được cấy ghép. Giác mạc thông thường đến từ những người hiến tặng sau khi mất, nhưng nguồn cung như vậy thì không bao giờ là đủ.

Vậy mà lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học từ ĐH Newcastle (Anh Quốc) đã in thành công giác mạc, bằng cách sử dụng một máy in với giá thành cực rẻ. Nó sẽ in ra một lớp mực sinh học, khoanh vùng thành các vòng tròn đồng tâm để tạo hình giác mạc. Tế bào gốc của người bệnh sau đó sẽ được thêm vào để giúp giác mạc in ra được hoàn chỉnh hơn.

Giác mạc được in ra (có màu xanh).
Giác mạc được in ra (có màu xanh).

Dù là mực, nhưng sản phẩm cuối cùng không hề có màu mực, mà hoàn toàn trong suốt. Trong bức hình cũng là giác mạc được in ra, nhưng đã được bổ sung màu để quan sát dễ hơn.

"Rất nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đã theo đuổi ý tưởng này, nhằm biến nó thành sự thật" - Che Connon, trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư tại ĐH Newcastle cho biết.

"Loại gel đặc biệt của chúng tôi - kết hợp giữa alginate (chất làm đặc) và collagen cho phép tế bào gốc tồn tại, đồng thời tạo ra vật liệu vừa vững bền, nhưng vừa đủ mềm mỏng để có thể phun ra từ vòi in".

"Thành quả này đến từ nghiên cứu trước đó, khi chúng tôi giữ được tế bào sống trong nhiệt độ phòng. Hiện tại, chúng tôi đang dùng mực sinh học để kiềm giữ tế bào gốc, để chúng không phát triển thành các tế bào độc lập".

Các nhà nghiên cứu đã quét mắt của bệnh nhân, để in được một giác mạc hoàn chỉnh và phù hợp với từng con mắt riêng biệt. May mắn là giác mạc không có mạch máu, nên quá trình này cũng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, giáo sư Connon phải bổ sung: "Giác mạc được in ra giờ cần trải qua một số thử nghiệm trong vài năm tới, trước khi có thể chính thức áp dụng trong y học".

"Dù vậy, những gì đã làm được cho thấy một tiềm năng rất lớn về một tương lai nơi hàng triệu người mù thấy lại được ánh sáng".

Cập nhật: 31/05/2018 Theo helino
  • 880