Những quan niệm sai lầm khiến nỗ lực của bạn trở nên vô ích và còn có thể làm mụn phát triển trầm trọng hơn.
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da lễu TP.HCM, cho biết khi bị mụn trứng cá, bạn có thể nhận được nhiều lời khuyên về nguyên nhân cũng như cách điều trị. Tuy nhiên, nhiều quan điểm sai lầm về mụn trứng cá đang khiến việc điều trị khó khăn hơn.
Bác sĩ Thảo khẳng định quan niệm mụn trứng cá là vấn đề của thanh thiếu niên, người lớn không bị mụn là hoàn toàn sai lầm. Việc khởi phát mụn trứng cá thường liên quan sự thay đổi nội tiết trong cơ thể, đó là lý do mụn thường bắt đầu ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, một số người vẫn sẽ trải qua sự thay đổi nội tiết trong suốt cuộc đời, đặc biệt là phụ nữ. Do đó, những đợt bùng phát mụn vẫn xảy ra.
Mụn không chỉ bùng phát ở thanh thiếu niên, người trưởng thành vẫn bị mụn kéo dài. (Ảnh: Medical News Today).
“DNA của mỗi người cũng đóng vai trò chi phối tình trạng mụn trứng cá. Nhiều người có khuynh hướng da nhờn, trong khi số khác da lại khô dễ tróc vảy. Những bệnh nhân có khuynh hướng da mụn sẽ dễ bị nổi bất kể ở độ tuổi nào. Mụn nên được điều trị sớm , nếu không sẽ khiến tình trạng nặng hơn và khả năng để lại sẹo chứ không tự khỏi”, bác sĩ Thảo nói.
Hiện chúng ta chưa có bằng chứng khoa học rõ rệt về việc ăn chocolate sẽ gây bùng phát mụn. Tuy nhiên, da liễu có nhiều bằng chứng cho thấy một số thực phẩm làm gia tăng đáng kể nồng độ đường trong máu (như carbohydrate, đường và sữa).
Chúng có thể làm tình trạng mụn nặng thêm. Do vậy, bạn nên thảo luận với bác sĩ trước khi quyết định thay đổi hoàn toàn chế độ ăn.
Bác sĩ Thảo cho biết khi bị mụn trứng cá mức độ nhẹ - trung bình, bạn có thể thử điều trị bằng các sản phẩm hỗ trợ được bán tại nhà thuốc. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, bạn nên đến gặp bác sĩ, không có gắng điều trị hoặc tự ý sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Đặc biệt, bệnh nhân bị mụn trứng cá mức độ nặng, thương tổn lan rộng với nang, nốt, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị thích hợp.
Tự ý điều trị có thể khiến tình trạng mụn càng thêm trầm trọng. (Ảnh: Getty).
Việc tiếp xúc ngắn hạn với ánh nắng mặt trời có hiệu quả kháng viêm. Tuy nhiên, khi tiếp xúc lâu dài, mụn có thể xuất hiện nhiều hơn lỗ chân lông bị bít tắc, kích thích hình thành mụn.
Đặc biệt, bức xạ từ ánh nắng mặt trời có liên quan trực tiếp đến nguy cơ ung thư da. Do đó, bạn không nên ở ngoài nắng quá lâu mà không có bảo vệ. Tương tự, các nghiên cứu hiện nay chưa ghi nhận nước muối có hiệu quả trong việc điều trị mụn.
Những sản phẩm trang điểm dạng đặc hay dầu có thể bít tắc lỗ chân lông và gây mụn. Các sản phẩm trang điểm không phải nguyên nhân chủ yếu gây mụn.
Người da nhờn và mụn vẫn có thể trang điểm một cách an toàn với những sản phẩm phù hợp tình trạng da của mình. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng tẩy trang và làm sạch da để loại bỏ hoàn toàn sản phẩm trang điểm trên mặt.
“Quan niệm các sản phẩm đắt tiền có hiệu quả điều trị mụn tốt hơn là sai lầm. Vấn đề không phải ở chi phí mà quan trọng là hoạt tính của sản phẩm điều trị”, bác sĩ Thảo chia sẻ.
Ngoài ra, chuyên gia này cho biết thêm bụi bẩn không phải là nguyên nhân chính gây ra mụn. Mụn thường hình thành do tế bào chết nằm trong các nang lông cùng chất nhờn của da. Vi khuẩn bình thường ở trên da sẽ nhanh chóng phát triển ở các vị trí bít tắc và gây ra viêm.
Nhiều người cho rằng dùng kem đánh răng thoa lên nốt mụn để khô nhân là chưa đúng. Thực tế, kem đánh răng không chứa thành phần kháng khuẩn và kháng viêm, nguy cơ kích ứng da cao và có thể gây rối loạn sắc tố đáng kể, nhất là ở người da sậm màu.