Giới chức Indonesia cho biết ngày 28/9 nước này đã phóng một vệ tinh chế tạo trong nước mang tên Lapan A2 từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan (ISRO) của Ấn Độ.
Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu hàng không vũ trụ quốc gia Indonesia (LAPAN) Thomas Djamaluddin cho biết vệ tinh Lapan A2 nguyên bản được các kỹ sư và bộ phận chức năng của LAPAN chế tạo, trong tương lai, Indonesia dự định có thể tự sản xuất tên lửa đẩy để phóng các vệ tinh của nước này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nơi sản xuất vệ tinh LAPAN A2. (Nguồn: Tempo).
Theo ông Thomas, vệ tinh Lapan A2 nặng 78kg, sẽ bay quanh quỹ đạo ở độ cao 650km tính từ bề mặt Trái Đất, mỗi ngày vệ tinh Lapan A2 sẽ bay qua Indonesia 14 lần.
Vệ tinh được sử dụng để quan sát di chuyển của các tàu thuyền, hỗ trợ hoạt động cứu hộ hàng hải và khảo sát các nguồn thuỷ hải sản.
Vệ tinh được trang bị hệ thống nhận dạng tự động (AIS) để định vị các tàu thuyền đi qua vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia và có thể giám sát khu vực rộng hàng nghìn km2; các thiết bị như máy ảnh, máy quay kỹ thuật số có thể ghi lại hình ảnh Trái Đất từ quỹ đạo.
Ông Thomas cũng cho biết, hoạt động di chuyển của vệ tinh sẽ được giao cho cơ quan chức năng ở Rancabungur, tỉnh Bogor, phía Tây của đảo Java kiểm soát.
Trước đó, năm 2007, Indonesia đã phóng vệ tinh Lapan A1, hiện tại vệ tinh này vẫn trong quỹ đạo ở độ cao 630km từ bề mặt Trái Đất, tuy nhiên nó đã hết hạn hoạt động từ năm 2013.