Insulin là gì? Vai trò, tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng insulin

  •  
  • 713

Insulin là một chất vô cùng quen thuộc, đặc biệt là với những người mắc đái tháo đường hay những người có người nhà mắc bệnh đái tháo đường. Vậy vai trò, tác dụng phụ, lưu ý khi sử dụng Insulin theo hướng dẫn của Bộ Y tế là như thế nào? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây.

1. Insulin là gì?

Insulin là một loại hormone từ các tế bào đảo tụy ở tuyến tụy tiết ra. Chúng có tác dụng chuyển hóa các chất carbohydrate trong cơ thể. Insulin còn có tác dụng đến việc chuyển hóa các mô mỡ và gan thành loại năng lượng ATP để cung cấp cho hoạt động của cơ thể.

Insulin cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ Glucose trong máu
Insulin cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ Glucose trong máu.

Insulin được tổng hợp ở tế bào Beta trong đảo tụy bằng sự hoạt động của bộ máy tổng hợp protein trong tế bào. Insulin cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ Glucose trong máu.

2. Vai trò của Insulin

Sau khi chúng ta ăn một bữa cơm thì một lượng tinh bột khá lớn sẽ đi vào cơ thể, khi đó chúng sẽ làm tăng sự kích thích đến tế bào beta ở đảo tụy để có thể tiết ra Insulin. Sau đó, Insulin sẽ tác động vào các quá trình giữ và dự trữ glucose trong cơ thể và đặc biệt là gan và mô mỡ.

Khi nồng độ glucose trong máu của bạn cao thì glucose sẽ được dự trữ dưới dạng glycogen và được dự trữ trong gan và khi bạn đói, lượng glucose trong máu giảm, glycogen sẽ được biến đổi trở lại thành glucose để tiếp tục đi vào máu, đảm bảo lượng đường trong máu.

  • Insulin gây ức chế enzyme phosphorylase, khiến cho quá trình biến đổi glycogen thành glucose trở nên chậm;
  • Insulin tăng cường hấp thu glucose;
  • Insulin làm tăng cường hoạt tính của enzyme để tổng hợp glycogen.

Insulin ảnh hưởng lớn đến lượng đường trong máu. Bệnh đái tháo đường có nguyên nhân từ việc lượng đường trong máu tăng cao. Insulin chính là hormone làm ức chế sự chuyển hóa glycogen thành glucose và đi vào máu, nếu như thiếu hụt Insulin thì glycogen sẽ không ngừng chuyển hóa và đưa một lượng thừa thãi glucose vào máu gây ra đái tháo đường.

Insulin trong cơ thể.
Insulin trong cơ thể.

3. Các loại Insulin và lưu ý khi sử dụng

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với người bệnh đái tháo đường, thuốc Insulin là một liều thuốc quan trọng trong việc điều trị bệnh này. Có 4 loại Insulin chính đó là Insulin tác dụng nhanh, ngắn, Insulin tác dụng trung bình, trung gian, Insulin tác dụng chậm, kéo dài và cuối cùng là Insulin trộn, hỗn hợp.

  • Các loại Insulin tác dụng nhanh và ngắn thường được tiêm trực tiếp dưới da, thuốc sẽ phân ly nhanh chóng thành các monomer và được hấp thu. Sau khoảng 1 giờ thuốc sẽ đạt đỉnh hấp thu. Do tác dụng nhanh của Insulin dạng này nên người bệnh cần rất lưu ý về lượng carbohydrate trong bữa ăn.
  • Đối với Insulin tác dụng trung bình thuốc sẽ có tác dụng kéo dài hơn nhờ sự phối hợp giữa 2 phần Insulin zinc hòa tan với protamine zinc Insulin. Loại thuốc này sau khi được tiêm dưới da sẽ bắt đầu có tác dụng sau 2 – 4 giờ, đạt đỉnh tác dụng sau 6 – 7 giờ và có thời gian kéo dài khoảng 10 – 20 giờ. Loại thuốc này cần tiêm 2 lần mỗi ngày để đảm bảo hiệu quả.
  • Loại Insulin tác dụng chậm và kéo dài thường được dùng vào buổi tối. Loại này cũng có nhiều loại thuốc khác nhau tùy thuộc cho mỗi bệnh nhân.
  • Insulin hỗn hợp là loại Insulin có trộn sẵn 2 loại Insulin tác dụng nhanh và tác dùng dài trong cùng một loại hoặc cùng một mũi tiêm. Chính vì thế thuốc sẽ có 2 đỉnh tác dụng, một là tác dụng của Insulin nhanh đối với lượng carbohydrate trong bữa ăn và tác dụng của Insulin dài để tạo nên nồng độ Insulin nền.

Không nên tự ý tiêm insulin.
Không nên tự ý tiêm insulin.

Một số lưu ý quan trọng khác

  • Insulin là loại thuốc làm hạ đường huyết mạnh nhất;
  • Không có giới hạn liều Insulin;
  • Insulin chỉ được tiêm dưới da, thường vị trí tiêm là ở bụng, trên cánh tay và đùi;
  • Insulin thường được dùng phối hợp với thuốc viên;
  • Insulin được sử dụng để truyền tĩnh mạch trong trường hợp cấp cứu hôn mê do nhiễm ceton acid, trong lúc phẫu thuật hay tăng áp lực thẩm thấu máu;
  • Có thể dùng điều trị chỉ bằng Insulin nếu thiếu Insulin nặng;
  • Insulin trộn sẵn có thể dùng tiêm 2 lần mỗi ngày vào thời điểm trước bữa sáng và chiều.
  • Insulin trộn sẵn loại analog có thể được tiêm 3 lần một ngày;
  • Đối với mỗi bệnh nhân có tình trạng bệnh khác nhau thì có thể điều chỉnh liều Insulin mỗi 3 – 4 lần/ngày.

4. Tác dụng phụ của Insulin

Insulin có các tác dụng phụ điển hình như hạ glucose huyết, gây hiện tượng somogyi, dị ứng Insulin, loạn dưỡng mô mỡ, tăng cân.

Trong đó, hạ glucose huyết là tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng Insulin tiêm trực tiếp vào cơ thể. Khi lượng Insulin thừa thì cũng sẽ gây ức chế sự chuyển hóa glycogen khiến lượng glucose trong máu bị giảm mạnh.

Hiện tượng somogyi là hiện tượng quá liều Insulin, dẫn đến việc hạ glucose huyết và làm phóng thích ra quá nhiều hormone điều hòa ngược làm gây ra hiện tượng tăng glucose huyết phản ứng.

Các tác dụng phụ khác như dị ứng Insulin khá hiếm gặp trong thời điểm hiện tại.

Cập nhật: 02/07/2019 Theo vinmec
  • 713