Internet đang ăn mòn trí nhớ của chúng ta?

  •  
  • 593

Có tới 71% các vị phụ huynh không thể nhớ nổi số điện thoại của con mình.

Con người đang quá phụ thuộc vào "trí nhớ kỹ thuật số"?

Kể từ khi con người bắt đầu đi vào kỷ nguyên kỹ thuật số với máy tính và Internet, có vẻ chúng ta đã không còn phải cố gắng để nhớ nhiều thứ. Và rồi đâu đó có người nhận ra rằng họ sẽ quên mất sinh nhật của người thân, bỏ lỡ một buổi hẹn nếu không ghi lại nó vào máy tính hay điện thoại. Các nhà nghiên cứu gọi đó là hội chứng “mất trí nhớ kỹ thuật số”. Tuy nhiên, điều này có thực sự là một vấn đề đáng báo động?

Trong một nghiên cứu của Kaspersky trước đây, các nhà khoa học đã hỏi 1.000 người ở độ tuổi 16 trở lên về cách mà họ sử dụng các thiết bị công nghệ. Kết quả khá bất ngờ: có tới 91% trong số các đối tượng bị phụ thuộc vào mạng Internet và các thiết bị kỹ thuật số như một công cụ để ghi nhớ. Một cuộc khảo sát lớn hơn với 6.000 người cho thấy 71% các vị phụ huynh không thể nhớ số điện thoại của con cái, và 57% không thể nhớ số điện thoại liên quan đến công việc của họ. Điều này cho thấy rằng việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để ghi nhớ đang làm bộ nhớ của chúng ta suy yếu.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc chúng ta phải dựa vào thiết bị công nghệ và Internet đang dẫn đến tình trạng “mất trí nhớ kỹ thuật số”. Chúng ta sẽ mất dần khả năng lưu trữ thông tin bởi hệ quả của việc lưu trữ chúng trên thiết bị hoặc Internet.

Internet đang ăn mòn trí nhớ của chúng ta?
Liệu có phải Internet đang ăn mòn trí nhớ của chúng ta?

Tuy nhiên, có những nghiên cứu lại đi theo chiều hướng ngược lại, các nhà khoa học nói rằng chúng ta đang thích nghi với chứng “mất trí” này tương tự như cuộc tiến hóa từ nước lên cạn. Một nghiên cứu năm 2011 đã tiến hành hàng loạt các thí nghiệm để tìm hiểu cách mà ký ức của chúng ta phụ thuộc vào máy tính. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu yêu cầu tất cả các ứng viên tham gia đánh máy một loạt các câu chứa thông tin khẳng định, ví dụ “con mắt của đà điểu lớn hơn não của chúng”.

Một nửa trong số các ứng viên nói rằng họ có thể nhớ được hết những gì đã nhập vào máy tính, một nửa nói rằng họ không thể. Các nhà nghiên cứu sau đó kiểm tra kết quả và họ nhận thấy rằng những người tự tin với sự ghi nhớ của mình đều thể hiện sự thất vọng lớn. Họ chỉ nhớ lại được một phần thông tin và thậm chí nhầm lẫn.

Trong thí nghiệm tiếp theo, ứng viên được yêu cầu đánh máy và lưu thông tin vào các thư mục cụ thể. Sau đó, họ tiếp tục được kiểm tra về sự ghi nhớ, lần này các nhà nghiên cứu hỏi cả thông tin và nơi họ đặt tệp tin. Tất cả đều thể hiện khả năng ghi nhớ địa điểm đặt tệp tin tốt hơn nội dung của nó. Điều này cho thấy rằng máy tính và công nghệ nói chung đang thay đổi cách chúng ta tổ chức thông tin. Chúng ta không ưu tiên việc ghi nhớ những chi tiết cụ thể mà chỉ ghi nhớ nơi có thể tìm thấy thông tin đó.

Ý tưởng về việc chúng ta đang ưu tiên vị trí của thông tin thay vì nội dung của nó khiến một số nhà nghiên cứu rất hứng thú. Họ nói rằng các thiết bị công nghệ và Internet ngày nay đang trở thành một dạng trí nhớ đặc biệt. Nó tách biệt với từng con người, tuy nhiên bất cứ ai cũng có thể truy cập và dùng chung thông tin trong đó.

Điều này có nghĩa là Internet và các thiết bị kỹ thuật số có thể hình thành một kho bộ nhớ lưu trữ chung mà các cá nhân không còn phải tự ghi nhớ cho riêng mình. Họ có thể truy cập và trích xuất thông tin khi biết được một cá nhân khác đang giữ chúng. Hoạt động này khiến thông tin được khai thác bằng cách giao tiếp với người khác.

Internet đang ăn mòn trí nhớ của chúng ta?
Chúng ta đang ưu tiên ghi nhớ vị trí thông tin thay vì nội dung của chúng - (Ảnh minh họa).

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng việc lưu trữ trên máy tính không chỉ thay đổi cách não bộ chúng ta tương tác với chúng mà còn khiến chúng ta dễ dàng tìm hiểu thông tin mới. Ví dú trong một cuộc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu yêu cầu ứng viên ghi nhớ hai tệp tin, mỗi tệp chứa một danh sách các từ. Một nửa trong số họ được yêu cầu phải ghi nhớ xong tệp tin thứ nhất mới chuyển đến đọc tệp thứ hai, trong khi số còn lại không cần làm điều này.

Kết quả cho thấy rằng những người tham gia nhớ lại được nhiều hơn đáng kể thông tin từ tệp thứ hai nếu họ đã ghi nhớ thông tin ở tệp thứ nhất. Từ đó, có thể kết luận nếu chúng ta giảm tải lượng thông tin phải ghi nhớ bằng các thiết bị kỹ thuật số và Internet, nó sẽ cho phép chúng ta ghi nhớ nhiều hơn những thông tin mới hữu ích khác. Ví dụ, với Internet và hệ thống tra cứu, học sinh ngày nay có thể giảm tải ghi nhớ các sự kiện lịch sử, công thức toán học, bảng tuần hoàn các nguyên tố... để tập trung hơn vào ý nghĩa và bản chất của bài học.

Nói tóm lại, bạn có thể đang lo lắng rằng công nghệ và Internet đang phá hủy một trong những khả năng quan trọng nhất của con người, chúng ta đang không thể nhớ được số điện thoại của con cái mình hay sinh nhật của bố mẹ.

Điều đó thực sự đúng. Tuy nhiên, vấn đề luôn có hai mặt của nó. Các thiết bị công nghệ và Internet có thể đã bắt đầu một xu hướng ghi nhớ mới cho loài người. Ngày nay, chúng ta có thể ghi nhớ nhiều hơn từ việc chia sẻ bộ nhớ chung và sử dụng các ứng dụng của thiết bị công nghệ. Và đó là một bước tiến chứ không phải sự suy thoái của bộ nhớ.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 593